Home

10/3/11

Kỳ niệm một tình yêu

Viết tháng 12 năm 2004
Rất nhớ đôi bạn của tôi....

Đó là một buổi sáng mùa thu Matxcơva...
Tháng 10 hanh hanh lạnh, nắng vàng rực rỡ, bầu trời xanh trong vắt không gợn một áng mây, những hàng cây bên đường đã trút lá, run rẩy đón những gọt nắng cuối cùng để chuẩn bị ngủ đông...
Chợ chim Tagan thứ bảy ngập người. Xe ô tô xếp hàng dài dằng dặc từ phố chính... Những chuyến xe buýt, xe điện hối hả ào đến, đổ cả đòan người đông đúc xuống mặt đường rồi lại vội vã lao đi…

Tagan không hổ danh là chợ chim nổi tiếng của nước Nga.
Kể cũng lạ, vẫn buôn bán đủ loại động vật: nào cá, nào chó mèo, nào trăn rắn, kì đà, bọ cạp, nào chuột và ếch nhái… mà người ta vẫn quen gọi nó là Chợ Chim!

Cơ man nào là chim, đủ màu, đủ sắc… Nào Vẹt, nào Sẻ, nào Bồ câu, nào Cú, nào Quạ…và có cả những tên Ó khoặm như cảnh sát chặn xe, những Đại bàng dũng mãnh ưỡn cao ngực... Những chú vẹt Ma-cao với đôi chân vạm vỡ đủ sức làm đau bất cứ cánh tay dại dột có ý chọc ghẹo nào đang nghiêm nghị nhìn đám người qua lại... Những cô nàng bồ câu đuôi xòe mơ màng đang nghe một anh chàng lông xám nòi đưa thư gù gù một bản tình ca... Mấy chú yến hót đua nhau líu lo váng cả một góc rộng, cứ như sợ ai tranh mất phần, những cô cậu yến phụng xanh xanh tím tím vàng vàng mới ra đời vào mùa xuân nhí nhố đùa nghịch với nhau trong lồng rộng…

Đích ngắm của chúng tôi khi ấy là cockatiel – một loài vẹt cỡ trung nổi tiếng là đáng yêu và rất dễ gần gũi. Cockatiel hôm ấy cũng nhiều, mỗi chú một vẻ, đủ các màu sắc …
Nhưng lướt mãi lướt mãi mà vẫn không tìm được chú vẹt nào ưng ý: chú thì quá già, mặt mày cau có; chú thì xơ xác, lông rụng từng mảng lớn, chóp đầu húi xọi, đang thơ thẩn nhặt nhạnh mấy hạt hướng dương... Của đáng tội, phần lớn các chú vừa được chuyển lên sáng nay từ mấy trại ở thành phố tỉnh xa, nơi có khí hậu ấm áp và dễ chịu hơn Matxcơva rất nhiều nên còn mệt lắm...
Lướt mãi mỏi cả chân, trời mùa thu lành lạnh mà mồ hôi bắt đầu thấm áo, thì chợt tôi phát hiện ở tít sâu trong góc chợ có một bác già với lồng cockatiel chỉ có một con. Chẳng hi vọng gì, nhưng đã trót đi rồi thì cũng đành đi cho hết, tôi tiến tới...

Chỉ trong tíc tắc, cái ánh nhìn ngây thơ như em bé lên hai đã cuốn hút hồn tôi: đôi mắt đen láy sáng trong, bộ lông xám mềm mại, bàn chân hồng xinh xắn, chóp mào be bé dựng ngược, rung rinh trong gió, ra chiều tọc mạch rất trẻ thơ...

Tốp đứng trên đầu tôi

Vậy là tôi đưa Tốp về nhà, và ba chúng tôi bắt đầu những tháng ngày vui vẻ.
Cái tên Tốp là kỉ niệm về một quyển truyện tranh rất xưa về hai chú khỉ tên Tắc và Tốp rất xinh và nhanh nhẹn.

Câu đầu tiên tôi dạy Tốp là câu hát: “Tốp ơi Tốp à”, sử dụng computer để thu và copy lại lời người dạy. Cứ mỗi sáng đi làm, đi học, tôi lại bật máy, cho tự động phát âm đến cả trăm lần...
Rồi thì Tốp cũng nói, ngọng nghịu như đứa trẻ, líu ríu từ này lẫn vào từ nọ thật dễ thương. Nhưng yêu nhất là những buổi ở nhà, Tốp kêu la chí chóe đòi tôi mở cửa cho ra khỏi lồng bằng được.
Toại nguyện rồi, chú lang thang khắp các xó xỉnh trong phòng, tờ báo nào, quyển sách nào sơ sẩy để ngoài đều bị Tốp gặm cho một tí. Đến nỗi cứ giở sách ra là thấy cái dấu kiểm duyệt xinh xinh: thủng một lỗ nhọn và hai ngấn hình vòng cung rất đặc trưng của mỏ vẹt.

Tốp rất thích đứng trên gối

Mấy tháng dần trôi, Tốp lớn lên, ra dáng bảnh trai tệ. Bộ lông xám đã thay bằng bộ lông đen bóng mượt mà. Những đốm kem nhạt nho nhỏ bên cánh đã biến thành một dải lông trắng tinh lịch sự, như quí ông mặc vest đen sang trọng để hở vạt tay sơ mi sạch sẽ bên trong. Hai đốm má lúc trước màu cam nhạt thì nay rực rỡ đỏ hẳn lên, cái mào vàng ươm luôn hiên ngang dựng đứng.

Tốp đi lại bệ vệ trên sofa, trên bàn ăn, sẵn sàng sà vào món salad nhiều rau xanh hoặc bát canh nghi ngút khói. Nhưng Tốp thích nhất là ăn kem và sữa chua lạnh. Mỗi lần thấy tôi cầm cốc kem, Tốp bay sà đến, thoải mái đứng trên tay tôi, vục đầu vào sâu trong cốc. Cái lưỡi dầy, tròn và hơi thô rám nhanh nhẹn liếm liếm vào kem, có hôm ăn tham: cả đầu, cả mào Tốp bê bết vết kem bẩn....

Mùa đông lạnh, Tốp ít hoạt động hẳn.
Sáng thức dậy, hắn vỗ cánh phành phạch, chiêu một ngụm nước, rồi đỏng đảnh nhìn cóng thức ăn hạt, gặm gặm nhằn nhằn tí chút, lại nghênh mặt nhìn tôi, ý chừng muốn hỏi: bao giờ có trứng luộc đây?!
Trứng luộc mang ra rồi, phải còn hơi âm ấm, trộn với cà rốt bào tươi ngon, và bao giờ cũng phải kèm theo một lá xà lách thật xanh mới vừa lòng hắn. Cơm nước no say, Tốp lò dò ra khỏi lồng. Chọn chỗ ấm nhất, nơi có tia nắng hiếm hoi của sáng mùa đông -18 độ C, xù lông đứng sưởi.
Vèo! - Một chiếc lá trên chậu cảnh chao ngang, Tốp giật mình, giương mào, hai cánh xòe ra, cổ chìa dài về phía trước làm oai... hắn xưng xỉa nhìn chiếc lá vàng, quắc mắc một chút, như thể dọa nạt... rồi lại xù lông, lại co ro sưởi nắng...

Trưa, tôi từ trường đi học về, người bải hoải, đói, lạnh, đun nước sôi làm gói mì tôm. Tốp ngửi thấy mùi mì thơm, bay sà đến, đầu gục gặc chỉ chực nhúng vào bát mì.
- Hì hì, mặc kệ hắn!
Y như rằng! Vừa thò mỏ vào tô mì nóng, hắn giật nảy lên vì bỏng, vỗ cánh xành xạch bay tít lên chùm đèn giữa nhà, miệng kêu la bai bải như mụ hàng cá lắm điều...
Nhưng chỉ mấy phút sau, mùi mì thơm và tiếng húp suỵt soạt lại làm hắn mò xuống xem tôi ăn gì: tò mò không thể tả....!

“Căng da bụng, trùng da mắt”, câu thành ngữ ấy chẳng sai, với cả người, cả Tốp!
No rồi, Tốp đứng rỉa lông, duỗi chân, xòe đuôi một chặp, rồi bay lên thành ghế, nghẹo đầu vào cánh, lim dim...
Người cũng vậy, mệt, rón rén tắt đèn, lấy gối, lấy chăn, co ro nằm trên sofa... Vụt một cái, chưa kịp định thần, đã thấy Tốp đàng hoàng đứng trên gối, mặt mày ngông nghênh nghiêng ngó...
Mỉm cười... Lôi tuột Tốp vào trong, chùm chăn trên người chú, chỉ để hở một chút cho chú thò cái mũi ra thở... Tốp rùng mình, xù lông khoan khóai... Cả người, cả Tốp kề bên nhau, tin cậy, chở che...

... Yên lặng...
"Ngủ ngon, Tốp nhé!"...

Đông kết thúc, tuyết mùa xuân tan chảy thành từng dòng suối nhỏ. Những chú sẻ, chú quạ của thành phố công nghiệp tranh giành nhau thức ăn chí chóe giữa những lùm cây. Đọt táo, đọt lê và sơ-ri dại bắt đầu nhu nhú xanh, mỗi ngày đi học về tôi đều hái bên vệ đường vài nhánh táo, lê mới ra đọt non mang về: và Tốp luôn sung sướng đón nhận những món quà nhiều vitamine ấy từ tay chủ.

Chàng trai bảo: “Ta phải lấy vợ cho Tốp thôi!”
Cô gái: “Ừ nhỉ, Tốp đã trưởng thành rồi !”

Vợ chồng nhà Tốp: Tôp và Tôpa

Lại một mùa thu, khi lá rơi lả tả trong rừng kết thành thảm vàng dày đặc, cũng là lúc chúng tôi đón Tôpa về nhà. Đặt tên đúng theo kiểu Nga, họ chồng là Tốp thì vợ cũng là Tôpa (chữ “a” cuối thể hiện giới tính nữ!).

Tốpa dịu dàng lắm!
Nàng có bộ lông màu kem sẫm, đôi mắt nâu to tròn ướt át rất nũng nịu ngây thơ. Đưa Tôpa về nhà, Tốp xòe cánh quan sát: cô bạn vẹt nép mình bên thành lồng – nơi từ đây sẽ là tổ ấm chung, bẽn lẽn, ngượng nghịu, Tốp hùng dũng nhảy xuống cần đậu, mổ mổ thức ăn, ra vẻ chẳng thèm bận tâm đển kẻ lạ...
Chỉ đến buổi chiều, cái se se lạnh của tiết thu và ánh sáng mờ tối của căn phòng đã khiến đôi bạn đứng sát lại với nhau. Tốpa chúi đầu, Tốp rỉa lông cho nàng âu yếm...

Đúng như một cô gái đựoc dạy dỗ khuôn phép, Tôpa dịu dàng và không muốn dạn người. Lúc nào cô bé cũng ngại ngần. Cũng chịu bay lên bàn ăn của người cùng với Tốp, nhưng cố đứng ở mép bàn xa xa; cũng thèm một lá xà lách tươi xanh, nhưng chỉ mon men nhặt nhạnh khi có Tốp đứng bên che chở...
Từ ngày có Tôpa, Tốp ít nói hẳn đi... Rất ít khi 'Tốp ơi, Tốp à" như trước nữa.
Người cũng buồn, vì chẳng mấy khi còn đựợc nghe Tốp nói, nhưng lại nhủ thầm: “Cũng phải, Tốp có vợ rồi, vợ chồng hủ hỉ cùng nhau, cần gì mình nữa!”.

Cũng còn là an ủi, vì Tốp vẫn thích đậu trên đầu, trên vai người, vẫn thích bay vèo đến mỗi khi tôi chìa cánh tay ra hiệu, vẫn xớn xác nhảy lên sofa khi thấy tôi mở tủ tìm chăn, lấy gối... để đòi ngủ chung.
Tốp vẫn ngủ trưa cùng tôi, nhưng chỉ ngủ lúc đầu, bao giờ thức dậy, tôi cũng đã thấy Tốp chui ra khỏi chăn từ lúc nào, đã trở về lồng và rỉa lông rỉa cánh cùng Tôpa một chặp...

Có lẽ câu chuyện phải kết thúc bằng cảnh gia đình Tốp có một đàn con lít nhít thật xinh... Nhưng, nếu vậy thì có lẽ hình ảnh Tốp sẽ không ám ảnh tôi đến thế...

Tháng 4/2002, nhận tin dữ từ gia đình, tôi vội vã bay về nhà, trước khi đi chỉ kịp ôm Tốp vào lòng, hôn... và vẫy tay chào Tôpa, lòng cảm nhận một điều gì không ổn...
Và người đã không quay trở lại...

Một thời gian sau vẫn còn nghe tiếng vẹt kêu chí chóe qua chat voice khi chat với chồng bằng YM, nhưng rồi... dần dần... không nghe nữa...
Tôi không dám hỏi, mặc dù đoán được... Sợ hỏi sẽ biết đúng cái sự thật mà mình chẳng chờ mong!
Tôpa đã chết chỉ sau khi chúng tôi về Việt Nam đựoc ít lâu, mắc chân vào rèm cửa và không giẫy ra được... Người bạn hàng xóm hai ngày một lần mới có điều kiện sang cho chúng ăn, không kịp thời phát hiện...
Một tháng sau, tôi ở lại VN, chỉ một mình chồng tôi quay trở lại căn hộ kí túc xá ngày xưa. 
Hai chàng trai- một người một vẹt chung sống cô đơn với nhau thêm một thời gian nữa...

Cũng chẳng biết tại sao: có thể vì chồng tôi không nhiều kinh nghiệm chăm sóc chim cảnh; cũng có thể vì Tốp buồn nhớ Tôpa; mà biết đâu có thể Tốp nhớ cả tôi, nhớ những buổi trưa êm ấm cùng nằm sofa xem TV ngồi ngủ thiếp...
Tốp trở nên biếng ăn. Rụng lông. Chậm chạp... Chồng tôi luống cuống ra Zooshop mua thuốc bổ, anh không báo với vợ, vì sợ tôi buồn...

Tốp chết!
Tôi chỉ biết chính thức tin này khi còn mấy tuần nữa chồng tôi về nước, khi tôi chat bằng YM và rụt rè  nhắc anh ra hãng hàng không hỏi trước các thủ tục nhập cảnh cho chim, để làm thủ tục đưa Tôp về VN...

Buồn rầu...
Nhưng hi vọng: rồi chúng sẽ gặp nhau, Tôp và Tôpa, trong một thế giới khác của mộng mơ...
Rồi chúng sẽ có những đàn con thật đẹp...
Rồi chúng sẽ bên nhau, cùng ngắm nhìn lũ chim nhỏ ngây thơ trong tổ ấm chung đang tập nhẩy ... tập bay....

... Ngắm nhìn.... Ngất ngây... và Hạnh phúc...!


Không có nhận xét nào: