Home

30/1/12

Phụ nữ nuôi chim cảnh_P3

3. Phụ kiện nuôi chim cảnh

Khi chuẩn bị nuôi chim cảnh: phải chuẩn bị sẵn một số dụng cụ cơ bản thiết yếu cần thiết. Đó là:
  • Lồng nuôi chim
  • Vật dụng đựng thức ăn và nước uống (còn gọi là Cóng thức ăn/Cóng nước uống)
  • Cần đậu/cây đậu trong lồng
  • Áo lồng bằng vải hoặc chất liệu gì đó có thể giúp che chắn gió lùa bảo vệ cho chim
  • Bàn chải nhỏ để vệ sinh các dụng cụ (thường tôi dùng bản chải đánh răng cũ)
  • Lọ/bình thủy tinh hoặc nhựa có nắp đậy để đựng thức ăn khô cho chim (bao gồm bột chuyên dụng cho chim hoặc các loại hạt ngũ cốc chuyên dụng)
1. Lồng nuôi chim:
Lồng nuôi một chú chim kiểng cho nhà phố với phụ nữ có thể là loại lồng sắt, lồng kẽm tráng nhựa kiểu Châu Âu hoặc lồng tre/trúc với những nan lồng được trau chuốt kĩ lưỡng, chắc chắn.

Quan trọng là:
  • Đường nét đơn giản, đừng quá nhiều tiểu tiết quá cầu kì: sẽ khó làm vệ sinh và vướng víu khi chăm sóc chim nuôi (cho ăn, uống, thay phụ kiện vật dụng trong lồng).
  • Xinh xắn, kích thước vừa với chú chim nuôi trong đó. Lồng to quá hoặc quá nhỏ so với chú chim nuôi: về thẩm mĩ là không cân đối. Và cũng không tiện lợi khi chăm sóc.
  • Bền, chắc  chắn nhưng cần nhẹ nhàng, để phụ nữ tiện bưng bê, treo móc lên cao khi cần.
Một cái lồng truyền thống bằng tre, trúc hay gỗ đẹp để nuôi chim cảnh: theo tôi không phải là những cái lồng chạm trổ rồng phượng và hoặc các tích Trung Quốc cầu kì kiểu như các tích Thủy Hử, tích Tây Du Ký.... Mà nó cần phải thanh lịch, đường nét trang trí phải đơn giản nhưng sắc sảo. Nan lồng phải được chuốt kĩ và đều đặn về khoảng cách lẫn độ dầy của từng nan. Việc đóng mở cửa lồng và treo móc các phụ kiện phải dễ làm, tiện ích và chắc chắn. Toàn bộ cái lồng phải thể hiện được vẻ đẹp nước màu tự nhiên của Tre, Trúc hay loại gỗ làm ra nó.

  Đây là một cái lồng Khuyên nguồn gốc Trung Quốc tôi mua từ Hà Nội vài năm gần đây. Lồng bằng trúc với đường nét rất đơn giản, chân thấp vừa phải. Kiểu dáng tròn truyền thống. Tôi trang trí thêm phụ kiện bầu bí cho lồng bằng chất liệu xương (trâu bò) và một cái móc đồng đầu bo tròn (không nhọn hoắt để không nguy hiểm lỡ khi vô ý).

Một cái lồng thế này phù hợp với tất cả những loại chim cảnh nhỏ không phải họ vẹt mà tôi đã liệt kê ở phần trước. (Vẹt có mỏ cứng sắc sẽ gặm gẫy nan lồng bay ra mất!). Còn trong hình là tôi nuôi một chú chim Thanh Tím - loài chim Hút mật rừng VN rất tuyệt với phụ nữ nuôi chim (Mở ngoặc thêm một chút là chú Thanh tím này đã gần 3 năm tuổi lồng, ít nhất 3 lần sẩy bay ra ngoài vườn và sau đó đều tự bay về lồng. Nhưng tôi không dám thả ra ngoài thường xuyên vì sợ thỉnh thoảng trên trời hay có Cắt bay qua sẽ bắt ăn thịt chú ta mất (Cắt là một loài chim ăn thịt hay săn bắt các loại chim nhỏ có đôi mắt rất tinh anh: chúng bay lượn trên trời cao và nếu nhìn thấy chim nhỏ, gà con bên dưới sẽ vụt bay sà xuống với tốc độ cao để chụp bắt bằng đôi chân khỏe với móng vuốt rất sắc).

Nói như thế không có nghĩa là tôi chê những cái lồng chạm trổ cầu kì - vì thực ra mất rất nhiều công sức, thời gian và kĩ năng và không nhiều nghệ nhân có thể làm được những cái lồng như thế. Nhưng tôi cho rằng: lồng chạm tiểu tiết cầu kì thì rất đẹp: nhưng thích hợp để ngắm thôi! Còn vì ta nuôi chim: nên cái lồng cần đẹp thanh lịch và đường nét trang trí thì nên đơn giản để tôn vẻ đẹp của chú chim nuôi trong lồng, chứ không nên đẹp đến mức quá cầu kì làm sao nhãng mắt nhìn của người ngắm đối với 'nhân vật chính' nhảy nhót trong nó.

Mặt khác: lồng chạm càng cầu kì thì giá thành càng cao. Không ít lồng 'hàng độc' trên thị trường hiện nay có giá từ vài triệu đến vài chục triệu - con số mà theo tôi: không cần thiết phải đầu tư như vậy để nuôi chim cảnh. Trừ phi bạn là người 'nghiện lồng đẹp' - mà chắc không có mấy phụ nữ VN bị bệnh nghiện lồng như vậy! Chưa kể: một số lồng chạm trổ công phu còn được gài mắc thêm những phụ kiện rất không thân thiện với thiên nhiên như phụ kiện bằng Ngà voi hoặc xương của những loại động vật quí hiếm - không phải và không nên là mục tiêu sử dụng của người nuôi chim yêu thiên nhiên nói chung và phụ nữ nuôi chim cảnh nói riêng.

Một chiếc lồng chim với các phụ kiện bầu bí, móc.. được quảng cáo là làm từ ngà voi
Ảnh từ Internet
Thấy rất rõ những đường nét chạm trổ rất cầu kì thể hiện tay nghề khéo léo và công sức lao động của người nghệ nhân làm lồng. Song tôi không tin là thả vào đây bất cứ một chàng nghệ sĩ biết bay nào thì chàng ta trông sẽ nổi bật và đẹp đẽ hơn trong một cái lồng như thế này!
Một lồng có nan bằng sắt bọc nhựa hình hộp đơn giản với khay hứng chất thải bằng nhựa bên dưới. Có những vật dụng cơ bản nhất cho một đôi chim: 1 cóng đựng thức ăn và 1 bình nước tự động bằng nhựa trong.
Những cái lồng như thế này rất tiện dụng để quan sát chim làm tổ, nuôi con cũng như tiện dụng cho việc chăm sóc và vệ sinh lồng chim.


2. Cóng thức ăn và nước uống:
Cóng là tên gọi chung cho những cái chén, hũ, chai lọ nhỏ... để dùng cho mục đích đựng thức ăn và nước uống cho chim nuôi cảnh.
Cóng tự động và bằng nhựa là lựa chọn tối ưu về mặt tiện ích đối với phụ nữ nuôi chim cảnh. Vì nó sạch, dễ chùi rửa vệ sinh. Cóng bằng nhựa trong giúp chúng ta nhìn thấy thức ăn và nước uống bên trong: để khi hết thì kịp thời bổ sung thức ăn và nước uống mới. Cóng tự động điều tiết thức ăn và nước uống giúp ta đỡ mất thời gian phải thay thức ăn và nước uống cho chim hàng ngày, đồng thời hạn chế chim vấy bẩn vào nước và thức ăn.

Đối với các mẫu lồng tre trúc cổ điển: các mẫu cóng bằng sứ nhỏ xinh là thích hợp nhất: vừa phù hợp với cơ chế làm việc của lồng nuôi, vừa phù hợp về mặt thẩm mĩ cho toàn cái lồng. Thị trường có rất nhiều mẫu cóng gốm sứ rất đa dạng nhiều hoa văn đẹp. Cũng như đồ gốm sứ: chúng được nhào nặn từ chế phẩm đất sét, làm nước men, vẽ hoa văn trang trí và được nung lên trong lò nung để ra thành phẩm. Có những bộ cóng khác nhau với kích thước và hình dáng khác nhau dành cho những loại chim khác nhau: cóng quả đào, cóng vẽ tích truyện Trung Quốc, cóng gọt đẽo từ gỗ, cóng từ đất sét thô, cóng dành cho chim Khuyên, cóng dành cho Chào mào... - được cất khéo léo trong những cái hộp chuyên dụng bọc lụa hoặc nhung trông rất ... đài các.

Cá nhân tôi rất thích những chiếc cóng sứ nhỏ, nhẹ và trắng tinh dành cho lồng tre trúc: nó lịch lãm và duyên dáng, là phụ kiện giúp tôn vinh vẻ đẹp của cái lồng mà không lấn át màu sắc và vẻ đẹp chim nuôi bên trong. Nên chọn những cái cóng có bề mặt đáy bằng phẳng để tiện dụng múc đổ thức ăn, nước uống cho chim.

Loại cóng đáy bằng như thế này là tiện dụng cho các loài chim nhỏ như Vành khuyên, Thanh tím
Hình mượn từ Intenet

Loại cóng quả đào này thì có men Lam cũng đẹp nhưng nếu là tôi thì tôi sẽ không chọn dùng vì đáy của nó không bằng phẳng: rất bất tiện khi xúc thức ăn vào cóng. Không thể để trên sàn nhà hay mặt bàn vì nó sẽ nghiêng đổ ngay thức ăn, nước uống ra ngoài.
Hình mượn từ Internet

Còn đây là những cái cóng sứ men trắng tinh mà tôi ưa thích và sử dụng cho cái lồng nuôi chú Thanh tím đã nói ở trên. Tai cóng được đính tre để khi dắt vào nan lồng thì sẽ đồng bộ với chất liệu lồng.

 
Những phụ kiện khác như Áo lồng thì có thể mua sẵn, hoặc phụ nữ khéo tay chỉ cần miếng vải con là có thể may được (tôi thì không khéo may vá nên thích mua sẵn áo lồng ở các tiệm bán chim cảnh - rất rẻ chỉ vài chục ngàn, dùng cẩn thận vài năm chả làm sao!). Cần đậu thì sao cho tự nhiên, vừa chân chim là được (cũng bán rất nhiều ở tiệm chim, hoặc có thể chặt lấy cành cây ăn quả nào đó ở vườn nhà như cành ổi, cành mận, cành me, cành mai... để làm cần đậu cho chim - miễn là loại cây không có nhựa độc!)

Người ta bảo 'nghề chơi cũng lắm công phu'. Tôi quan niệm 'công phu' trong trường hợp này là sự lựa chọn vật dụng hài hòa về thẩm mĩ: sao cho tổng thể cái lồng trông duyên dáng, thanh nhã và nhất định phải tôn được vẻ đẹp của chú chim nuôi bên trong. Cho nên vật dụng, phụ kiện tôi chọn thường đơn giản về họa tiết, thanh mảnh về hình thức, không quá đắt tiền và chắc chắn là phải rất tiện dụng khi vận hành để tôi có thể tiết kiệm được thời gian và công sức cho thú chơi vốn dĩ trước nay không hợp với phụ nữ vì đòi hỏi nhiều thời gian này.

Khi cân nhắc cẩn thận những thứ cần chuẩn bị và có những lựa chọn mua sắm vật dụng đúng đắn: việc nuôi một chú chim cảnh nhỏ trở nên đơn giản, nhẹ nhàng. Chi phí bỏ ra sẽ phù hợp với ví tiền và khả năng, thời gian chăm sóc của chủ nhân. Và bạn sẽ thấy thư giãn cả khi chăm sóc lẫn khi ngắm nhìn và lắng nghe tiếng hót, điệu múa và vẻ đẹp màu sắc từ người bạn nghệ sĩ thiên nhiên của mình.

1 nhận xét:

Hiến Nghĩa nói...

Hâm mộ chị GC lắm.
Xem cái aviary của chị là mê loài Finch luôn.