Home

30/1/12

Phụ nữ nuôi chim cảnh_P3

3. Phụ kiện nuôi chim cảnh

Khi chuẩn bị nuôi chim cảnh: phải chuẩn bị sẵn một số dụng cụ cơ bản thiết yếu cần thiết. Đó là:
  • Lồng nuôi chim
  • Vật dụng đựng thức ăn và nước uống (còn gọi là Cóng thức ăn/Cóng nước uống)
  • Cần đậu/cây đậu trong lồng
  • Áo lồng bằng vải hoặc chất liệu gì đó có thể giúp che chắn gió lùa bảo vệ cho chim
  • Bàn chải nhỏ để vệ sinh các dụng cụ (thường tôi dùng bản chải đánh răng cũ)
  • Lọ/bình thủy tinh hoặc nhựa có nắp đậy để đựng thức ăn khô cho chim (bao gồm bột chuyên dụng cho chim hoặc các loại hạt ngũ cốc chuyên dụng)
1. Lồng nuôi chim:
Lồng nuôi một chú chim kiểng cho nhà phố với phụ nữ có thể là loại lồng sắt, lồng kẽm tráng nhựa kiểu Châu Âu hoặc lồng tre/trúc với những nan lồng được trau chuốt kĩ lưỡng, chắc chắn.

Quan trọng là:
  • Đường nét đơn giản, đừng quá nhiều tiểu tiết quá cầu kì: sẽ khó làm vệ sinh và vướng víu khi chăm sóc chim nuôi (cho ăn, uống, thay phụ kiện vật dụng trong lồng).
  • Xinh xắn, kích thước vừa với chú chim nuôi trong đó. Lồng to quá hoặc quá nhỏ so với chú chim nuôi: về thẩm mĩ là không cân đối. Và cũng không tiện lợi khi chăm sóc.
  • Bền, chắc  chắn nhưng cần nhẹ nhàng, để phụ nữ tiện bưng bê, treo móc lên cao khi cần.
Một cái lồng truyền thống bằng tre, trúc hay gỗ đẹp để nuôi chim cảnh: theo tôi không phải là những cái lồng chạm trổ rồng phượng và hoặc các tích Trung Quốc cầu kì kiểu như các tích Thủy Hử, tích Tây Du Ký.... Mà nó cần phải thanh lịch, đường nét trang trí phải đơn giản nhưng sắc sảo. Nan lồng phải được chuốt kĩ và đều đặn về khoảng cách lẫn độ dầy của từng nan. Việc đóng mở cửa lồng và treo móc các phụ kiện phải dễ làm, tiện ích và chắc chắn. Toàn bộ cái lồng phải thể hiện được vẻ đẹp nước màu tự nhiên của Tre, Trúc hay loại gỗ làm ra nó.

  Đây là một cái lồng Khuyên nguồn gốc Trung Quốc tôi mua từ Hà Nội vài năm gần đây. Lồng bằng trúc với đường nét rất đơn giản, chân thấp vừa phải. Kiểu dáng tròn truyền thống. Tôi trang trí thêm phụ kiện bầu bí cho lồng bằng chất liệu xương (trâu bò) và một cái móc đồng đầu bo tròn (không nhọn hoắt để không nguy hiểm lỡ khi vô ý).

Một cái lồng thế này phù hợp với tất cả những loại chim cảnh nhỏ không phải họ vẹt mà tôi đã liệt kê ở phần trước. (Vẹt có mỏ cứng sắc sẽ gặm gẫy nan lồng bay ra mất!). Còn trong hình là tôi nuôi một chú chim Thanh Tím - loài chim Hút mật rừng VN rất tuyệt với phụ nữ nuôi chim (Mở ngoặc thêm một chút là chú Thanh tím này đã gần 3 năm tuổi lồng, ít nhất 3 lần sẩy bay ra ngoài vườn và sau đó đều tự bay về lồng. Nhưng tôi không dám thả ra ngoài thường xuyên vì sợ thỉnh thoảng trên trời hay có Cắt bay qua sẽ bắt ăn thịt chú ta mất (Cắt là một loài chim ăn thịt hay săn bắt các loại chim nhỏ có đôi mắt rất tinh anh: chúng bay lượn trên trời cao và nếu nhìn thấy chim nhỏ, gà con bên dưới sẽ vụt bay sà xuống với tốc độ cao để chụp bắt bằng đôi chân khỏe với móng vuốt rất sắc).

Nói như thế không có nghĩa là tôi chê những cái lồng chạm trổ cầu kì - vì thực ra mất rất nhiều công sức, thời gian và kĩ năng và không nhiều nghệ nhân có thể làm được những cái lồng như thế. Nhưng tôi cho rằng: lồng chạm tiểu tiết cầu kì thì rất đẹp: nhưng thích hợp để ngắm thôi! Còn vì ta nuôi chim: nên cái lồng cần đẹp thanh lịch và đường nét trang trí thì nên đơn giản để tôn vẻ đẹp của chú chim nuôi trong lồng, chứ không nên đẹp đến mức quá cầu kì làm sao nhãng mắt nhìn của người ngắm đối với 'nhân vật chính' nhảy nhót trong nó.

Mặt khác: lồng chạm càng cầu kì thì giá thành càng cao. Không ít lồng 'hàng độc' trên thị trường hiện nay có giá từ vài triệu đến vài chục triệu - con số mà theo tôi: không cần thiết phải đầu tư như vậy để nuôi chim cảnh. Trừ phi bạn là người 'nghiện lồng đẹp' - mà chắc không có mấy phụ nữ VN bị bệnh nghiện lồng như vậy! Chưa kể: một số lồng chạm trổ công phu còn được gài mắc thêm những phụ kiện rất không thân thiện với thiên nhiên như phụ kiện bằng Ngà voi hoặc xương của những loại động vật quí hiếm - không phải và không nên là mục tiêu sử dụng của người nuôi chim yêu thiên nhiên nói chung và phụ nữ nuôi chim cảnh nói riêng.

Một chiếc lồng chim với các phụ kiện bầu bí, móc.. được quảng cáo là làm từ ngà voi
Ảnh từ Internet
Thấy rất rõ những đường nét chạm trổ rất cầu kì thể hiện tay nghề khéo léo và công sức lao động của người nghệ nhân làm lồng. Song tôi không tin là thả vào đây bất cứ một chàng nghệ sĩ biết bay nào thì chàng ta trông sẽ nổi bật và đẹp đẽ hơn trong một cái lồng như thế này!
Một lồng có nan bằng sắt bọc nhựa hình hộp đơn giản với khay hứng chất thải bằng nhựa bên dưới. Có những vật dụng cơ bản nhất cho một đôi chim: 1 cóng đựng thức ăn và 1 bình nước tự động bằng nhựa trong.
Những cái lồng như thế này rất tiện dụng để quan sát chim làm tổ, nuôi con cũng như tiện dụng cho việc chăm sóc và vệ sinh lồng chim.


2. Cóng thức ăn và nước uống:
Cóng là tên gọi chung cho những cái chén, hũ, chai lọ nhỏ... để dùng cho mục đích đựng thức ăn và nước uống cho chim nuôi cảnh.
Cóng tự động và bằng nhựa là lựa chọn tối ưu về mặt tiện ích đối với phụ nữ nuôi chim cảnh. Vì nó sạch, dễ chùi rửa vệ sinh. Cóng bằng nhựa trong giúp chúng ta nhìn thấy thức ăn và nước uống bên trong: để khi hết thì kịp thời bổ sung thức ăn và nước uống mới. Cóng tự động điều tiết thức ăn và nước uống giúp ta đỡ mất thời gian phải thay thức ăn và nước uống cho chim hàng ngày, đồng thời hạn chế chim vấy bẩn vào nước và thức ăn.

Đối với các mẫu lồng tre trúc cổ điển: các mẫu cóng bằng sứ nhỏ xinh là thích hợp nhất: vừa phù hợp với cơ chế làm việc của lồng nuôi, vừa phù hợp về mặt thẩm mĩ cho toàn cái lồng. Thị trường có rất nhiều mẫu cóng gốm sứ rất đa dạng nhiều hoa văn đẹp. Cũng như đồ gốm sứ: chúng được nhào nặn từ chế phẩm đất sét, làm nước men, vẽ hoa văn trang trí và được nung lên trong lò nung để ra thành phẩm. Có những bộ cóng khác nhau với kích thước và hình dáng khác nhau dành cho những loại chim khác nhau: cóng quả đào, cóng vẽ tích truyện Trung Quốc, cóng gọt đẽo từ gỗ, cóng từ đất sét thô, cóng dành cho chim Khuyên, cóng dành cho Chào mào... - được cất khéo léo trong những cái hộp chuyên dụng bọc lụa hoặc nhung trông rất ... đài các.

Cá nhân tôi rất thích những chiếc cóng sứ nhỏ, nhẹ và trắng tinh dành cho lồng tre trúc: nó lịch lãm và duyên dáng, là phụ kiện giúp tôn vinh vẻ đẹp của cái lồng mà không lấn át màu sắc và vẻ đẹp chim nuôi bên trong. Nên chọn những cái cóng có bề mặt đáy bằng phẳng để tiện dụng múc đổ thức ăn, nước uống cho chim.

Loại cóng đáy bằng như thế này là tiện dụng cho các loài chim nhỏ như Vành khuyên, Thanh tím
Hình mượn từ Intenet

Loại cóng quả đào này thì có men Lam cũng đẹp nhưng nếu là tôi thì tôi sẽ không chọn dùng vì đáy của nó không bằng phẳng: rất bất tiện khi xúc thức ăn vào cóng. Không thể để trên sàn nhà hay mặt bàn vì nó sẽ nghiêng đổ ngay thức ăn, nước uống ra ngoài.
Hình mượn từ Internet

Còn đây là những cái cóng sứ men trắng tinh mà tôi ưa thích và sử dụng cho cái lồng nuôi chú Thanh tím đã nói ở trên. Tai cóng được đính tre để khi dắt vào nan lồng thì sẽ đồng bộ với chất liệu lồng.

 
Những phụ kiện khác như Áo lồng thì có thể mua sẵn, hoặc phụ nữ khéo tay chỉ cần miếng vải con là có thể may được (tôi thì không khéo may vá nên thích mua sẵn áo lồng ở các tiệm bán chim cảnh - rất rẻ chỉ vài chục ngàn, dùng cẩn thận vài năm chả làm sao!). Cần đậu thì sao cho tự nhiên, vừa chân chim là được (cũng bán rất nhiều ở tiệm chim, hoặc có thể chặt lấy cành cây ăn quả nào đó ở vườn nhà như cành ổi, cành mận, cành me, cành mai... để làm cần đậu cho chim - miễn là loại cây không có nhựa độc!)

Người ta bảo 'nghề chơi cũng lắm công phu'. Tôi quan niệm 'công phu' trong trường hợp này là sự lựa chọn vật dụng hài hòa về thẩm mĩ: sao cho tổng thể cái lồng trông duyên dáng, thanh nhã và nhất định phải tôn được vẻ đẹp của chú chim nuôi bên trong. Cho nên vật dụng, phụ kiện tôi chọn thường đơn giản về họa tiết, thanh mảnh về hình thức, không quá đắt tiền và chắc chắn là phải rất tiện dụng khi vận hành để tôi có thể tiết kiệm được thời gian và công sức cho thú chơi vốn dĩ trước nay không hợp với phụ nữ vì đòi hỏi nhiều thời gian này.

Khi cân nhắc cẩn thận những thứ cần chuẩn bị và có những lựa chọn mua sắm vật dụng đúng đắn: việc nuôi một chú chim cảnh nhỏ trở nên đơn giản, nhẹ nhàng. Chi phí bỏ ra sẽ phù hợp với ví tiền và khả năng, thời gian chăm sóc của chủ nhân. Và bạn sẽ thấy thư giãn cả khi chăm sóc lẫn khi ngắm nhìn và lắng nghe tiếng hót, điệu múa và vẻ đẹp màu sắc từ người bạn nghệ sĩ thiên nhiên của mình.

17/1/12

Phụ nữ nuôi chim cảnh_P 2

2. Nuôi chim gì ?
Khi bạn là phụ nữ, thì có nhiều điểm cần phải nghĩ khi nuôi chim cảnh:
  • Bạn không có nhiều thời gian dành cho chim chóc
  • Bạn không tiện vận chuyển trên xe máy các lồng chim rừng cồng kềnh đến các điểm dợt chim
  • Không ít bạn rất sợ sâu bọ, cào cào, côn trùng...: vốn là các thức ăn rất thường xuyên của một số loại chim rừng thường được nuôi
  • Mùi hôi của chất thải từ chuồng chim nuôi: cũng là một vấn đề mà phụ nữ - vốn sạch sẽ và thích dọn dẹp hơn nam giới (!), sẽ không thích. Nhất là nếu không gian sống hơi chật, hoặc không có sân vườn. 
Vậy: phụ nữ sẽ nên chọn nuôi chim cảnh gì, để có thể khắc phục được những vấn đề trên?

Lời khuyên của tôi là: bạn hãy chọn nuôi:
  • Những loại chim cảnh có kích thước nhỏ: việc chăm sóc một chú chim nhỏ sống trong một cái lồng nhỏ sẽ dễ dàng, thuận tiện. Sẽ phù hợp với không gian sống không rộng rãi (của căn hộ, của nhà phố...) hơn là chăm sóc một chú chim cảnh kích thước lớn.
  • Những loại chim cảnh ăn hạt: việc chăm nuôi những loài chim cảnh ăn hạt ngũ cốc sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với việc chăm sóc các loại chim ăn thịt, ăn côn trùng, ăn hoa quả. Không chỉ là việc chuẩn bị thức ăn cho chim cảnh ăn hạt ngũ cốc sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn, mà chất thải của của các loài chim ăn hạt thường ít mùi hơn chất thải của các loài chim ăn hoa quả hay ăn thịt.
  • Nếu vẫn thích nuôi một số loại chim ăn côn trùng nhỏ: hãy cố gắng tập cho chúng ăn bột chuyên dụng dành cho chim. Việc  tập cho chim quen ăn bột sẽ giúp bạn đỡ mất thời gian thường xuyên đi mua côn trùng, sâu bọ cho chim ăn, vì sâu bọ cho chim cảnh không thể bảo quản lâu, tiết kiệm rất nhiều thời gian. Nhất là khi bạn bận rộn công việc, gia đình hoặc thỉnh thoảng phải đi công tác. 
Thỏa mãn những yêu cầu này là đa số các loài chim thuộc bộ Sẻ - dòng Finch và một số loài vẹt cỡ trung và cỡ nhỏ. Trong đó:
  • Xếp đầu bảng Chim hót dành cho phụ nữ là Yến hót/Canary:  Màu sắc đẹp, rất đa dạng tông màu. Giọng yến hót tuyệt hay, luyến láy từng tràng trầm bổng, ngân nga. Chăm sóc khỏe mạnh thì chim gần như hót suốt ngày, từ sáng sớm đến khi tắt nắng. Chim có thể sinh sản trong chuồng, nuôi đơn giản, khá sạch sẽ. Chịu đựng được nhiệt độ khá lạnh và độ ẩm cao (2 vấn đề lớn với người nuôi chim cảnh ở nước ta). Ở vài nơi chúng được mệnh danh là Vua của các loài chim hót.
Yến hót/-Hoàng yến/Yellow Canary
  • Xếp đầu bảng Chim cảnh nhỏ nhiều màu sắc sinh động có thể cho sinh sản và sưu tập, lai tạo ra nhiều màu sắc khác nhau dành cho phụ nữ là Manh manh Nhật/Zebra finch, sau đó là Long cơ/Longtail Finch, khó nuôi hơn sẽ là Bảy màu/Gouldian Finch: màu sắc đẹp, cách thức bắt cặp, làm tổ nuôi con trong chuồng nuôi rất thú vị, cho người nuôi cảm giác tuyệt vời khi tận mắt thưởng thức cảnh chim nuôi làm tổ, đẻ trứng, nuôi con trong chuồng nhỏ của mình.

Manh manh Nhật/Zebra finch

Bảy màu/Gouldian Finch
  • Xếp đầu bảng Vẹt nhỏ nuôi cảnh là Yến phụng/Budgerigar: màu sắc đa dạng, thân thiện và có thể thuần dưỡng nuôi thả đậu trên tay, trên cổ. Cho chúng sinh sản trong chuồng nuôi nhỏ cũng không hề khó. Có thể dạy nói được chút ít, rất có nhu cầu giao tiếp với chủ nuôi. Tiếp đến là Vẹt đuôi gà/Cockatiel. Chúng đều là những loài vẹt khá dễ nuôi, được huấn luyện sẽ rất thân thiện, có thể dạy vài trò chơi đơn giản, dạy huýt sáo hoặc phát âm một số từ ngắn gọn.
 
Yến phụng/Budgerigar
Vẹt đuôi gà/Cockateil
  • Tôi sẽ khuyên bạn cân nhắc thêm 1 loài chim rừng nữa ăn sâu bọ nhỏ cũng rất hợp với danh sách chim cảnh dành cho phụ nữ công sở: chim Thanh Tím/Ruby Cheeked Sunbird (chim Hút mật má đỏ, có nơi còn gọi là Hút mật họng nâu). Tuy ăn sâu bọ nhỏ nhưng có thể thuần hóa chúng ăn bột rất nhanh. Chúng dạn người đến mức sau một thời gian ngắn có thể thả chúng ra vườn mà không sợ chúng bay mất: khi cần ăn chúng sẽ trở về lồng (tất nhiên phải đảm bảo không có những yếu tố bất ngờ làm chúng hoảng hốt vụt đi). Là chim hút mật, khẩu phần ăn của Thanh tím thỉnh thoảng cần chút mật ong hoặc nước đường pha đậm đặc để tiếp thêm cho chúng năng lượng. Ta cứ mua sẵn mật ong ngoài siêu thị cho vào cóng nhỏ để vào chuồng là xong, chim hút ăn cả tuần mới hết. Bù lại, chúng có màu sắc lông bóng bẩy ánh kim loại, dưới nắng mặt trời sẽ lóng lánh kì lạ và một giọng hót líp chíp từng tràng rất vui tai. Vui hơn là không chỉ hót, chúng còn đánh đuôi và xòe cánh khi hót rất ngoạn mục.
 Thanh tím/Ruby cheeked Sunbird

Tất cả những loài chim tôi giới thiệu trên đều là những loài chim cảnh dễ thương,  nhỏ xinh, tiếng kêu vừa phải không quá ồn ào (một số loài có tiếng hót rất du dương) rất thích hợp với không gian nhà phố hay ban công căn hộ nhỏ.

Chúng không đòi hỏi không gian nuôi rộng rãi (tất nhiên nếu có không gian rộng thì càng tốt), không đòi hỏi các chế độ chăm sóc, dưỡng dợt quá cầu kì (như chích chòe, họa mi, chào mào... là những loài chim rừng mà các vị nam giới thường thích nuôi), mà người nuôi lại có thể ghép cặp và quan sát cách thức chúng làm tổ, đẻ trứng và nuôi con - những kĩ năng rất gần gũi với phụ nữ!


16/1/12

Phụ nữ nuôi chim cảnh_P1

Lời tựa
Tôi có rất nhiều bạn cùng sở thích nuôi chim cảnh.
Tất cả họ đều là các đấng nam nhi.
Đi tìm một bạn nữ cùng sở thích nuôi chim: ôi chao mà khó!

 Những cuộc gặp mặt đầu tiên với nhóm bạn cùng sở thích: tất tần tật những người bạn 'chính nam' đều kinh ngạc khi thấy tôi là phụ nữ !
Còn trên diễn đàn mạng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim cảnh: những người chưa biết tôi khi xưng hô thường gọi tôi là 'anh' hay 'chú'.
Nếu ai đó nghe ngóng ở đâu rằng tôi là phụ nữ, thì họ xưng 'cháu' và gọi tôi là 'bà' - có lẽ xuất phát từ suy nghĩ chỉ có các bà lão mới có thể rảnh rỗi đến độ có thời gian để chăm sóc, nuôi chim!

Cứ như thể trong suy nghĩ của người Việt Nam không có khái niệm 'phụ nữ nuôi chim cảnh' !!!

Không sao!
Ai gọi tôi là Chú hay Anh: tôi đều gọi lại là Bạn.
Ai gọi tôi là Bà xưng Cháu: tôi đều gọi lại là Bạn, xưng Tôi.
Không phiền lòng chi, vì họ cũng như mình: chung một sở thích!


Chân dung một chú chàng Gouldian Finch tôi nuôi/sinh năm 2011 - Pastel Green Red Head/Cock

Cũng hiểu được: truyền thống phụ nữ VN tập trung Công - Dung - Ngôn - Hạnh.
Nhỏ thì học nữ công gia chánh, có năng khiếu một chút thì luyện Đàn hát thơ ca.
Lớn lên chút xíu thì bận ... iêu!
Lấy chồng rồi thì bận lo chuyện con cái, gia đình
Ra xã hội thì bận phấn đấu công danh sự nghiệp ...

Có vẻ cái vụ chim cò xem ra là không tưởng !!!

Cho nên tôi viết cái bài này: ghi lại cho mình và chia sẻ cho những bạn gái nào đó có ý muốn hay sở thích nuôi chim, mà chưa biết nên bắt đầu từ đâu...

1. Nuôi chim cảnh có khó không?
Với những bạn gái đã có gia đình, có con: tôi xin khẳng định 1000% rằng: nuôi chim dễ ợt, dễ hơn nuôi con nhiều nhiều lắm!
  • Một: bạn không phải mang thai nặng nề những 9 tháng 10 ngày để có một con chim mà nuôi. Chỉ cần ra hàng chim cảnh, trả tiền: vài phút là có ngay một chú chim hót véo von trong nhà!
  • Hai: bạn không phải tốn tiền thuê osin hay phải nhờ người quen trông giúp chú chim nuôi của mình, mà hễ không vừa ý một chút là họ bỏ về quê, làm bạn liểng xiểng...
  • Ba: Sữa bột, thịt cá tôm cua.. cái gì cũng tăng giá theo cấp số nhân. Thức ăn của chim nuôi: may thay, phần lớn tăng giá theo cấp số cộng (hik !)
Hài hước chút vậy thôi: thật ra nuôi chim cảnh không khó. Chỉ cần chút nhẫn nại, sự chăm sóc chu đáo và sự yêu thương. Mà 3 yêu cầu này: thì phụ nữ thừa có !

Bạn đã bao giờ được trải nghiệm để trên lòng bàn tay một sinh linh tí hon nhỏ xíu như thế này chưa ?

Rồi cũng trên bàn tay mình thấy sinh linh ấy lớn dần lên ?

Mở mắt gọi mẹ và kêu chiêm chiếp ?

Và trở thành một bông hoa đẹp đẽ biết bay và biết hót như thế này ?



Hoa nở trong vườn

Tuyết sơn phi hồng lại nở hoa.
Đợt hoa đầu tiên của năm mới 2011.
Chợt nghĩ: ở miền Nam trồng Tuyết sơn mà chăm đúng độ: thì có kém gì hoa đào để chào Xuân ?


Ba hôm trước cây nhiều nụ chúm chím xinh xinh





Ba ngày sau, cả cây hoa đã nở tím hồng rực rỡ


Trong nắng: hoa ửng hồng tươi tỉnh, xôn xao








Ngồi dưới tán hoa rực rỡ, trong nắng sáng tươi rói và lắng nghe tiếng chim ríu rít khắp vườn...
Ôi chao thật sướng !


Thêm vài ảnh hoa khác nở vườn cho xôm tụ











Cả vườn sặc sỡ, phần lớn sắc đỏ cam.
Có một chút Dã yên thảo tím nhạt làm cho không gian dịu bớt


Trong mùi hoa Bạch yến ngào ngạt rất đậm hương