Home

3/5/11

Lãng đãng nghề chơi - 1

Kỳ niệm xưa

Câu chuyện của Còi hôm nay về chú cựu chiến binh nuôi chim gáy làm tôi nhớ lại bác Tức - một người bạn chơi của tôi ... một dạo rất xa, khi tôi bắt đầu biết ‘chơi’ thực sự...

Khi ấy tôi mới nữ sinh trung học Lê Hồng Phong. Niềm đam mê những chú chim yến phụng nhỏ xinh luôn luôn phải chen chúc khổ sở với bài vở trường chuyên, những cuộc thi, những buổi luyện năng khiếu... Còn bác Tức đã là cựu chiến binh, đáng tuổi cha chú, đã nghỉ hưu mấy năm, giúp bác gái chăn gà công nghiệp ở nhà để cải thiện…

Một sự tình cờ, bác đến nhà tôi để nhắn mẹ đi họp tổ dân phố. Mẹ tôi không có nhà, còn bố tôi đang viết sách. Bác ngắm mấy lồng yến phụng tự làm của tôi đang nuôi con, ấp trứng, hàn huyên với người cha yêu kính của tôi – hẳn bố tôi đã tự hào kể về cô con gái rượu thích nuôi chim cảnh ghê gớm như thế nào… Bác ra về, để lại địa chỉ mời bố con tôi đến nhà chơi, thăm quan chỗ nuôi chim cảnh của bác…

Chủ nhật tuần đó, bố con tôi tìm đến nhà bác…
Tôi trở thành ‘cô bạn nhỏ” của bác Tức từ ngày ấy!

May sao cái thời sung sướng thuở ấy của tôi không có cúm gà!

Nghĩ lại cũng lạ… điều tôi thích thú nhất từ cuộc đời, có lẽ, cho đến nay, là những chuyện ‘hữu duyên thiên lí…”. Từ tình yêu của chính cuộc đời mình, cho đến những niềm đam mê không dễ chia sẻ với tất cả xung quanh: chim-cá cảnh… đều có cái duyên kì ngộ… đến với mình êm đềm, nhẹ nhàng, đằm thắm, cũng có khi bất ngờ, lạ lùng, thú vị… nhưng những kỉ niệm đều ở lại rất lâu, và rất sâu…

Nhà bác Tức rộng, 4 tầng lầu, trong một hẻm cụt nhỏ đường Trương Định, ngay giữa trung tâm quận Ba – ‘nhà của ông bà già để lại’ – bác thường bảo vậy.
Song cuộc sống đôi vợ chồng già, lại thêm cái danh cựu chiến binh và đàn con đang dần lập gia đình, ngược lại, chẳng sung sướng để phù hợp với cái nhà chút nào! Vậy nên cả nhà, cả dâu, cả rể, cả con cái cháu chắt dồn nhau túm tụm tất cả 2 tầng. Tầng 3 còn lại để chăn nuôi gà công nghiệp, nguồn kinh phí chủ yếu để trang trải gần như mọi khỏan sống. Còn tầng 4 – vốn là cái sân thượng, bác quây lại bằng lưới, mái lợp tôn, để nuôi yến phụng và bồ câu đem bán.
Chưa bao giờ tôi hỏi bác, xem bác đến với cái nghề chơi – nuôi chim này khi nào, và tại sao… Vì đam mê, hay vì kinh tế ?!

Trẻ con ngày ấy vốn nghĩ đơn giản hơn bây giờ, ngày một buổi chính đến trường, vài ba buổi học thêm luyện gà nòi thi các cấp, còn lại là tự học… là lang thang với phố trưa ít người, ít xe gắn máy…, là nhặt nhạnh vài cánh phượng rơi ép tập làm bươm bướm: tay không đi găng để mặc nắng trưa gắt gỏng trên da, mắt chẳng kính râm để nhìn màu xanh của những hàng me tươi mát, mũi không bịt khẩu trang kín mít để hít ngửi mùi vị đất ẩm sau cơn mưa rào, mắt lim dim mơ màng nghe tiếng ve kêu, lắng nghe giữa phố phường vui mà không nhộn nhạo ngày ấy tiếng hót của những chú chàng chim cảnh, rồi sướng rơn khi phát hiện ra chất giọng lúc du dương quyến rũ, khi sục sôi vui khỏe đầy thú vị ấy phát ra từ đâu…

Tôi nhớ là suốt năm học lớp 10, thời khóa biểu của mình thường có chỗ trống vào chiều thứ ba… Vậy là cứ mỗi chiều thứ ba, gần như hàng tuần, tôi đều đạp xe đến nhà bác Tức, cũng gần thôi, nếu không muốn nói là ‘gần xịt’, vì bác với tôi ở cùng một khu phố, để hàn huyên ‘thăm bác’, nhưng thực chất là thăm đàn yến phụng mấy trăm con suổt ngày bận rộn chuyện sinh nở; thăm đàn bồ câu đập cánh phành phạch, gù nhau toán loạn trên mái hiên nhà; thăm mấy đôi cu xanh tuyệt đẹp ve vãn nhau, chộn rộn tha rơm vào ổ gác sẵn ở những chạc me… để nghe hòai không dứt chuyện bác kể về thói quen, sở thích, tính tình… của từng đôi, từng cặp chim; để ngắm hòai không mỏi bàn tay bác khéo léo mở lồng, thay cóng ăn cóng uống, bắt từng chú yến phụng non ra và độ lượng vui vẻ nhìn tôi mặc sức vuốt ve hôn hít chúng…


Bồ câu bác Tức nuôi nhiều loại lắm, nhưng chủ yếu là bồ câu thường, nuôi nửa tự do nửa nhốt để bán cho các nhà hàng làm thịt. Thêm vài ba chủng loại bồ câu thịt - mà hổi ấy chủ yếu là King, một ít Cu Pháp nuôi nhốt đẻ trong cái lan can rộng quây riêng thành chuồng thả tập thể, gác dăm ba nhánh me nhặt ngoài đường sau mỗi lần công nhân công viên cây xanh chặt cành để khỏi vướng đường dây điện thành phố rồi vứt đó không dọn, và mấy đôi Cu xanh – cu rừng nuôi thí điểm cho chúng bắt cặp, sinh con… Vài đôi hồng yến hót tuyệt vời… Tiếc là hồi đó tôi không có máy ảnh để chụp lại…


Những câu chuyện của bác giúp tôi dần dà có nhiều kinh nghiệm nuôi chim yến phụng, nhưng quan trọng hơn: là chúng thôi thúc trong tôi sống dậy một tình yêu, bừng cháy một sự say mê kì lạ với cuộc sống, màu sắc, thần thái… của họ nhà chim mà bấy lâu trong lòng tôi vẫn đang âm ỉ. Sẵn cái máu đam mê trong người, tôi bắt đầu lao vào cuộc truy lùng những chú yến phụng có màu sắc, vân lông.. đặc biệt. Chuyện cho chim đẻ-ấp không còn đơn thuần là niềm vui được quan sát cách thức chúng làm tổ, nuôi con, mà còn trở thành nguồn cung cấp kinh phí cho những chuyến săn lùng chim lạ…

Gần chục năm biền biệt ở xứ người, lớn lên, trưởng thành, đối phó với nỗi đời làm - học, tình yêu - gia đình..: chuyện sưu tầm chim cảnh bỏ dở chỏng chơ, nhưng cứ ngay ngáy trong lòng như một món nợ đời phải trả… Có điều kiện tìm đọc sách báo, thăm thú nơi này nơi nọ, tôi càng khát khao ấp ủ ước mơ được sưu tầm, lai tạo những loài chim…
Mấy năm cuối cùng, trở về thăm nhà, được biết cố nhân đã đi xa… Ngày bố mẹ tôi sang thăm bác ốm bệnh, vẫn còn nghe bác nhắc về tôi, về ‘cô bạn nhỏ’ say mê chim cảnh…

Người ra đi, đàn chim giải tán!
Mấy năm sau, đã hết phần cơ cực, cái đồ thị hình sin của cuộc sống, may mắn thay, đưa tương lai của bác Tức gái và đàn con hướng về phía điểm cực đại: cơn sốt nhà đất xuất hiện: căn nhà 4 tầng, hẻm cụt, hướng Đông Nam, trung tâm quận Ba, gần công viên văn hóa Tao Đàn… tự nhiên biến thành cái mỏ vàng ú ụ…, người ta tranh nhau trả giá, đẩy thang giá đển mức mấy trăm lượng vàng – con số kinh hoàng mà một đời, thậm chí mấy đời cựu chiến binh cộng lại vẫn không tưởng tượng được.

Nhà bán! Biến thành cái văn phòng công ty tên gì gì đó…
Bác gái và các con dọn đi…
Chẳng còn ai quan tâm: nơi ấy, một thời rất xa, đã có một lùm bông giấy đỏ hiền hòa mọc trên vòm cổng. Đã có tiếng bồ câu gù dỗ dành nhau thật thương trên tầng thượng. Đã có những cặp chim đẻ không phụ lòng chăm sóc của con người – giúp đôi vợ chồng hưu trí và đàn con sống, trưởng thành vững vàng trong xã hội. Đã có những số phận, những con người rất bình thường mà khi không còn nữa, vẫn để lại nhiều nỗi nhớ thương…

Viết cho ABV, 3/10/2005

2 nhận xét:

hai nói...

Tôi đã đọc hết bài của GC. Cố gắng viết tiếp nhé. Cảm ơn. :)

GoldenCanary nói...

Cảm ơn anh động viên!