Home

15/5/11

Đi rừng ngắm chim - Ver.2001.2

Buổi chiều đầu tiên và những cái tổ chim Mỏ rộng

Buổi chiều đầu tiên sau khi ổn định chốn ở: chúng tôi xách máy ảnh đi bộ theo lối hướng về Bàu Sấu để vào rừng.

Trời chiều đầu mùa mưa oi nồng, chỉ đi được khoảng 2 cây số đã thấy mồ hôi đầm đìa ướt áo. Trời xầm xì đe dọa đổ mưa, gần như không nghe thấy rõ tiếng chim ở đâu, và cũng gần như không thấy được bóng chim nào rõ rệt: có lẽ chúng cảm nhận được cơn mưa sắp tới, nên đã trốn về tổ, vào nơi trú ẩn hết rồi chăng...!?

Đi lối mòn dọc theo đường sông, những bụi mây, bụi lồ ô, bụi tre... cao 5-7m chen chúc giữa những thân cây chò chỉ, cây sao dầu cao hàng chục mét đổ ngọn cong và cành lá lòa xòa xuống dưới: vắt vẻo trên cao là những cái tổ chim mỏ rộng đan bện khá thô, nhưng chắc chắn:

Thoạt đầu, tôi quá ngạc nhiên khi thấy phần lớn những cái tổ như vậy được làm trên những ngọn tre, ngọn mây ngay trên đường mòn vào rừng. Nghĩa là bên dưới trống trải và luôn có người, có thú và thậm chí mỗi ngày có vài chục chuyến xe jeep, xe tải nhỏ mui trần chở khách tham quan rừng đi lướt qua bên dưới! Ồn ào và ttr ống trải một cách đáng ngại như vậy, sao những con chim vẫn chọn những vị trí đó để làm tổ?

Thế nhưng, khi quan sát thật kĩ, mởi hiểu những con chim kia chọn chỗ làm tổ như vậy hoàn toàn không phải ngẫu nhiên
Tổ dạng treo lắt lẻo trên ngọn cây - nhưng đó là những ngọn dây mây tươi rất dai và chắc!
Dù chúng oằn trĩu xuống theo sức nặng của cái tổ, nhưng chúng vẫn đủ cao để thú bên dưới không nhảy chồm lên được. Và vì là sợi mây tươi: chúng dẻo dai: có thể đu lắc rất dữ dội trước gió, nhưng không thể gẫy!
Và thú vị hơn: những ngọn mây tươi  trẻ bao giờ cũng rất nhiều gai: mật độ gai tập trung ở đầu ngọn dây mây bao giờ cũng nhiều hơn ở phần thân gần về phía gốc, và những cái gai: ôi chao là sắc nhọn!

Thân mảnh khảnh, nhiều gai, cong oặt oẹo dẻo dai: không con chim lớn nào, không con sóc, con nhen nào đu bám được dễ dàng - sợi dây mây là lựa chọn an toàn cho loài chim mỏ rộng yên tâm làm tổ, sinh sản và nuôi con trước sự phá bĩnh của các loài chim ăn thịt hoặc những loài gặm nhấm  leo trèo giỏi như sóc, nhen...
Thật thông minh!
Hay chính qui luật của chọn lọc tự nhiên đã ban cho loài chim mỏ rộng bản năng chọn chỗ làm tổ giỏi như vậy!?

Hình minh hoạt từ Internet

Tổ của chim Mỏ rộng đen đỏ/Red and Black Broadbill (Cymbirhynchus macrorhynchos) thường có kích thước vừa phải, hình quả trám, độ dài khoảng 35cm-50cm, bện phần lớn bằng sợi lá cỏ nên lá nhanh héo: màu sắc tổ phần lớn có màu nâu của lá khô.
 Mối bện thô, nhưng trông toàn thể tổ vẫn có cảm giác về  kiểu cách thiết kế rất chặt chẽ. Lối ra vào dạng lỗ tròn, có vẻ như thường có xu thế hướng miệng tổ về phía rộng thoáng: có lẽ để chim dễ dàng bay vụt ra từ bên trong hay từ ngoài bay thẳng vào tổ mà không cần chuyền cành - vì làm tổ vắt vẻo toòng teng như vậy thì làm gì có cành mà chuyền dẫn vào tổ!
Trong khi đó, tổ của Mỏ rộng đầu đen/Dusky Broadbill (Corydon sumatranus)  thường lớn hơn, rộng ngang hơn và cũng thường dài hơn, quan sát vài tổ lớn có độ dài đến gàn 80-90cm. Hình dáng tổ có vẻ rất ... 'tùy sở thích' - có những cái tổ thuôn dài dạng quả trám, nhưng cũng có những cái to bè về chiều ngang, khiến tổng thể cái tổ trông như một ... búi cỏ bện lá 'lộn xộn một cách có chủ đích"!

Quan sát thấy khác với tổ của Mỏ rộng Đen đỏ, tổ của Mỏ rộng Đầu đen luôn có lá xanh - thật ra là những đoạn dây leo xanh có loại lá tròn cỡ móng ta khá dầy - như thể là một loài cây leo lá mọng nước như cẩm cù. Sợi của loại dây leo này khá to - cỡ sợi cước đan lớn: có lẽ nhờ vậy mà cái tổ tuy to mà chắc chắn ghê gớm. Chúng tôi may mắn được sờ mó trên ngọn cây một cái tổ như thế - rất chắc!

Còn vì sao chúng dùng loại dây leo có lá mọng nước này ?: có thể vì rừng Cát Tiên nhiều loại cây này, mà cũng có thể ở trên cao, nơi thoáng thường nhiều gió: tổ sẽ mau hanh khô, nên những cái lá xanh dầy có nhiều nước có thể giúp cho 'nội thất' tổ giữ được độ ẩm cần thiết cho trứng và chim non chăng!?


Ngày hôm sau vào rừng, may mắn chụp được con Mỏ rộng Đỏ Đen vừa bay vụt ra khỏi tổ
Nó cách mình chắc hơn 30 chục mét, ống Tamron 90 chỉ chụp được xa xa !

Còn sử dụng ống nhòm để ngắm, thì thấy nó đẹp tuyệt vời.
Như thế này
Không chỉ có bộ lông đỏ màu rượu vang lộng lẫy, nó có cái mỏ xanh biếc thật thu hút ghê gớm!
Còn  chủ nhân của cái tổ có dây leo xanh mọng nước - Mỏ rộng đầu đen, thì trông không được sặc sỡ bằng. Tiếc là mấy ngày đi rừng chưa có dịp ngắm tận mắt được nó!
Trông sẽ thế này đây:

Quay trở lại với buổi chiều đầu tiên đi bộ lang thang một đoạn rìa rừng, cơn mưa chiều đe dọa xầm xì từ mấy tiếng trước đã đổ nước xuống đầu mấy người đi: may mắn thay cả nhóm vừa kịp chạy trú vào được một cái lán bảo vệ trong khu nghỉ dành cho khách du lịch.

Từ lán trú mưa nhìn ra: một cây 'chuồn chuồn nhỏ' đang nở hoa đỏ tươi rực rỡ
Nó làm tôi nhớ đến tuổi thơ: nhà ở gần Dinh độc lập cũng có những cây chuồn chuồn nhỏ như thế này. Mùa khô: hoa chuồn chuồn nhỏ thoạt tiên nở đỏ ối cả cây, rồi khô và rụng xuống, mang theo hạt bên trong. Hoa có 2 cánh xoay tròn rơi từ trên cây cao cả vài chục mét xuống đường.
Giữa trời nắng chiều, tôi trốn cha mẹ vào bếp cầm cái rổ nhỏ chạy ra đường: cùng bọn trẻ con hàng xóm hứng những cánh hoa xoay tít rơi rơi: đếm xem đứa nào hứng được nhiều hoa hơn thì thì chiến thắng!
Trò chơi trẻ con của thuở xa xưa: chẳng tốn tí tiền nào, mà may là đường trưa tháng 5 thường rất vắng, chứ không lắm xe lắm cộ như bây giờ!
Có hôm bị mẹ phết cho roi vào đít: vì cái tội trốn ngủ trưa ra đường hứng hoa chuồn chuồn rơi!

Tạnh mưa, cả nhóm kéo nhau về. Trời tối rất nhanh. Bụng đã bắt đầu kêu rên vì đói!
Mang về kỉ niệm một bụi trái mây gai, ăn vào chát xít!

Lần đầu tiên tôi biết đến quả của dây mây - trông nó thật hay!

Chụp kỉ niệm một con bọ bé tí tẹo bằng đầu tăm, đỏ chon chót đang bò trên đất

Một cánh bướm chiều lạc loài


Hai con cào cào đang 'yêu nhau'

Còn một con thằn lằn thì ngơ ngác!

1 nhận xét:

hien nguyenquy nói...

Chị GC viết như đưa người đọc vào cuộc hành trình vậy!