Home

20/4/12

Đi rừng ngắm chim 2012 _ Phần 3

  Câu chuyện đi vào tận Bàu Sấu ngắm chim của chúng tôi lần này là nhắm đến loài chim Dòng dọc Vàng - một loài chim thuộc bộ Sẻ (có nơi gọi là Dòng dọc Nghệ, để phân biệt màu vàng ươm rực rỡ của con trống với một phân loài Dòng dọc khác của miền Nam Việt Nam bộ lông cũng màu vàng nhưng sắc vàng không được rực rỡ và đẹp bằng).

Dòng dọc - Weaver Bird/Ploceidae  có thể xem là một trong những loài chim đan tổ cầu kì và đẹp nhất thế giới. Cho nên nhiều nơi còn gọi chúng là Chim thợ may - bởi sự khéo léo của cái mỏ chúng khi đan bện những cọng cỏ thành một tổ hợp tổ chắc chắn, đẹp, các mối đen bện rất kĩ và thậm chí tổ của chúng còn được thiết kế ngăn thành nhiều phòng với nhiều lối ra vào ngoắt nghoéo để chống rắn, thằn lằn chui vào tổ ăn trứng bắt chim con.

Thế giới có khoảng hơn 90 phân loài Dòng dọc, đặc điểm chung nổi bật là hình thức giống như một chú chim sẻ với màu lông biến đổi tùy loài và tùy lục địa, từ nâu tối cho đến vàng ươm rực rỡ. Mà Dòng dọc Nghệ của Bàu Sấu rừng Nam Cát Tiên (Asian Golden Weaver/Ploceus hypoxanthus) của Việt Nam chính là một phân loài có màu lông đẹp rực rỡ như vậy.

Vật liệu làm tổ của đa số các loài dòng dọc là những lá dài tước sợi mảnh như những sợi chỉ, có khi dài cả mét, và luôn là những sợi lá mới tước ra từ lá tươi - để mềm dẻo và dễ đan bện.   Cho nên nếu bạn nhìn thấy một cái tổ Dòng dọc mà chỉ bện tổ vẫn còn màu xanh: ấy là cái tổ đang được chim tiến hành làm. Bởi chỉ mấy ngày sau, dưới cái nắng gắt: sợi cỏ sẽ nhanh chóng mất nước, khô đi và biến thành màu nâu rơm đặc trưng của lá khô.

Ở Bàu Sấu rất nhiều Dòng dọc Nghệ.
Đang vào mùa làm tổ: buổi sáng chúng tôi quan sát thấy chúng đuổi bắt nhau từng đôi, thậm chí từng bầy nhỏ dăm con cả trống cả mái quanh những lùm lau sậy mọc lềnh bềnh ven mặt đầm. Chúng chuyền đậu trên những nhánh cỏ lau mỏng manh, tìm kiếm hạt và sâu bọ trên những bụi cỏ dại mọc ven đầm lầy. Đôi khi con trống đứng ưỡn mỉnh rít kêu gọi chim mái.. - Thật bắt mắt!



Thực ra tổ của Dòng dọc Nghệ ở Bàu Sấu - Đông Nam bộ không cầu kì và to lớn bằng tổ của loài Dòng dọc thường miền Tây Nam bộ.

Tổ Dòng dọc miền Tây thường dài, có khi đến cả mét. Với ít nhất 2 lối vào: một lối thật dẫn vào chỗ con mái đẻ trứng và ấp con. Một lối còn lại dẫn đi .. tù mù, hoặc ngoắt nghoéo ra bên ngoài - là để chúng dẫn dụ rắn, thằn thằn và các loài chồn nhỏ, bò sát ăn thịt bị lạc lối khi tò mò muốn vào tổ bắt con của chúng.

Còn tổ của Dòng dọc Nghệ Nam Cát Tiên đơn giản hơn nhiều: dạng trứng, có một lối vào ra chung, không chia ngăn. Nhưng bù lại màu sắc của con chim trống trưởng thành thì sặc sỡ hơn rất nhiều.

Có lý do để ở Bàu Sấu thì loài Dòng dọc không cần phải làm tổ phức tạp. Bản năng đã khiến chúng chọn những đám có lau um tùm rậm rạp nổi lềnh bềnh từng trảng lớn trên đầm lầy - nơi có cá sấu ở để làm nơi cư ngụ: thì còn có con vật ăn thịt nào dám bén mảng đến vương quốc của loài sấu !?
Mùa dòng dọc làm tổ cũng là mùa cá sấu non mới nở - nghĩa là mẹ cá sấu luôn luôn quanh quẩn đâu đó để bảo vệ con.
Dòng dọc nhà ta làm tổ trong điều kiện luôn luôn có cá sấu bảo kê - thật oách!
Cho nên tổ Dòng dọc Nghệ  chỉ cần vừa đủ sâu và chắc chắn để đựng được trứng và che chắn cho chim non được ấm êm là được.

Cũng do việc chọn vị trí làm tổ độc đáo như vậy mà mỗi tổ của Dòng dọc Nghệ Bàu Sấu chỉ có 2 trứng - rất khác với các loài chim cùng bộ Sẻ nói chung và các loài Dòng dọc làm tổ trên cạn khác thường có số lượng trứng gấp đôi, gấp ba lần (4-6 trứng).
Cũng phải thôi: khi không có nhiều kẻ thù và cơ hội sống sót của chim non là khá cao: thì bố mẹ chúng đâu có cần phải đẻ nhiều - qui luật của tự nhiên thật rõ ràng và đơn giản !

Một cái tổ dòng dọc - dù là phân loài dòng dọc nào cũng bắt đầu bằng một cái vòng cỏ tươi - làm khung đỡ ban đầu để sau đó chúng đan cỏ quanh đó thành dạng vòm. Với tổ Dòng dọc Nghệ cũng không ngoại lệ:

Làm cái khung vòm này rất quan trọng: không chỉ là giá đỡ chính cho toàn bộ cái tổ hoàn chỉnh về sau, mà cái vòng này còn là cái 'xích đu' mà bất cứ anh chàng Dòng dọc trống nào cũng phải bỏ công sức tận tâm làm cho đẹp để 'dụ' bạn gái. Bởi nếu cô bạn gái không ưng ý với cái vòng xích đu này, thì cô ta sẽ không chịu vào cái tổ đó để đẻ trứng đâu!

Cho nên không lạ khi ở Bàu Sấu sẽ thấy có những cái vòng xích đu đã bị bỏ hoang - con mái không thích nên con trống đã phải làm tổ khác ở chỗ khác. Và cái xích đu tình yêu kia khi ấy sẽ bị bỏ chỏng chơ...


Từ cái vòng có kết nối ban đầu, vòm tổ được đan bện dày dần lên...




Để rồi thành một cái tổ hoàn hảo có lối vào kín đáo như thế này


Một bụi lau đường kính khoảng 1m có thể có đến 2-3 cái tổ như vậy

Chúng tôi đã may mắn chèo xuồng và tiếp cận được với một bụi cỏ lau như vậy - tiếp cận rất gần
Lùm cỏ nhỏ có 3 tổ: trong đó 2 tổ đã có trứng chim sắp nở...
Như đa số các loài finch làm tổ kín, trứng của Dòng dọc Nghệ nằm trong tổ sâu kín đáo nên vỏ trứng màu trắng sạch, hơi ngả xám xanh như trứng của nhiều loài chim làm tổ kín - không cần có màu sắc, vân hoặc đốm màu để ngụy trang như trứng các loài chim làm tổ mở.

Tôi nhón mấy ngón tay nhè nhẹ lấy một quả trứng ra xem: vỏ trứng màu trắng đục, hiện rõ vân mạch máu. Đã có vết nứt: nghĩa là chỉ trong ngày hoặc đến mai thôi: một chú Dòng dọc con sẽ ra đời...

Để chụp được ảnh tổ chim cận cảnh, đôi khi phải 'hi sinh' tư thế đẹp như thế này...

Chúng tôi dùng ống nhòm và máy ảnh quan sát khắp xung quanh


Cả mấy chú trẻ con cũng tham gia cùng ông bà và bố mẹ khám phá thiên nhiên qua ống kính


Rồi cùng nhau chèo thuyền loanh quanh Bàu Sấu..

Lau sậy lúp xúp mọc khắp nơi trong Bàu Sấu
chỗ nào cũng có thể là nơi ở lý tưởng cho loài chim Dòng dọc


Những cụm lục bình, sậy non bềnh bồng trên mặt nước: là nơi trú ngụ của rất nhiều bọ nước và những côn trùng nhỏ - nguồn đạm bổ dưỡng mà bố mẹ Dòng Dọc sẽ sử dụng mớm cho những đứa con mới ra đời

Và nếu mắt tinh, sẽ nhìn thấy những chú chim vàng ươm đang chăm chỉ kết nối những ngọn lau để làm tổ...


Dưới nắng sáng Nam Cát Tiên, những con trống Dòng Dọc vàng óng ánh




Bà và Cháu nội - cầu gỗ ra thuyền



Mênh mông...


2 nhận xét:

utvanut nói...

Y ơi, liệu cá sấu có bò lên bờ "thơm" mình một cái không ?
Đọc bài viết của Y mà hồi hộp quá.
Hai đứa trẻ cũng thật là giỏi.

GoldenCanary nói...

Có cá sấu Út ạ. Về đêm cá sấu bò vào các trảng cỏ sát bờ để ngủ. Nếu rọi đèn pha xuống trảng cỏ sẽ thấy mắt cá sấu đỏ quạch lốm đốm trên trảng.

Nhưng ban ngày thì sấu xuống nước và đi xa bờ, nên cũng ít gặp thôi.

Vào mùa cá sấu sinh sản thì chúng hung dữ nhất vì cá sấu mẹ bảo vệ tổ trứng và con rất kĩ. Nhưng nếu bơi thuyền nhè nhẹ và quan sát kĩ lưỡng để không làm kinh động đến tổ cá sấu thì chũng cũng... tha cho!