Home

19/4/12

Đi rừng ngắm chim 2012 _ Phần 2

Rừng - và thậm chí Rừng Rậm như Nam Cát Tiên là xa lạ với rất nhiều người. Ở Rừng không có các vật dụng và không gian tiện nghi - cho nên 'đi rừng' là một thú vui hạn chế với đa phần người dân thành phố.

  Khi bạn phải trải qua 2-3 tiếng lội bộ mệt mỏi trong rừng rậm, nơi mà ánh sáng mặt trời bị cản bởi các tầng cây và xuống đến mặt đất chỉ còn là vài đốm sáng le lói, nơi mà 4h chiều đã tối om như thể trong thành phố đi vào một con hẻm nhỏ vắng người và xa lạ lúc 10h đêm, nơi mà đón chào bạn không phải là những cửa hàng với đèn biển sáng lấp lánh, tiếng còi xe đan chen, tiếng cười nói người đi đường và rao bán của những gánh rong, mà chỉ có những tiếng động kì lạ, sột soạt và khả nghi, chỉ có những thảm cỏ và cành mục ẩm ướt chen với những rễ cây ngoằn nghèo và đá nhọn sẵn sàng bẫy bước chân vấp té... thì rõ ràng đi rừng không phải là thú vui du lịch mà là cả một thử thách lớn.
Với người lớn đã vậy.
Với trẻ con - như với con trai tôi 10 tuổi và cháu nội 4 tuổi của anh chị ngnghai: thì còn vất vả thế nào...!

Nhưng phải công nhận rằng: cả hai đứa trẻ đã rất giỏi khi vượt qua thử thách 5km đường rừng lội bộ, mà với tất cả thì mỗi cái ba lô, túi xách mang theo mình ở 5 phút đầu tiên bước vào rừng nhẹ tênh đã biến thành những quả tạ hàng trăm kí sau mấy tiếng băng rừng vất vả.

Khoảng 1 km đầu chúng tôi còn vừa đi vừa nói chuyện, và dừng lại chụp ảnh những bụi cây, ngọn cỏ bên đường

Nhưng càng về sau càng thấm mệt. Mồ hôi tràn ra trên trán, trên lưng, trước ngực. Đôi vai với hai dây ba lô như những sợi thừng cứ thít dần vào da thịt, nụ cười biến mất trên những gương mặt, thay vào đó là lấm tấm và thậm chí là ròng ròng những giọt mồ hôi. Tiếng cười nói ồn ào cũng biến mất, thay vào đó là những tiếng thở mệt nhọc và cả những tiếng phì phò cố nén.

Con đường đến đích còn rất xa....

Con trai thấm mệt, sợ vắt lắm mà cứ phải ngồi bệt xuống đất để nghỉ ngơi vì đôi chân nó không muốn nghe mình nữa mất rồi...

Bố động viên con: cố lên, vượt qua chính mình con nhé!

Chúng tôi đến bên cây Tung - cây cổ thụ to thứ nhì của Việt Nam
400 năm tuổi, cao hơn 40m - cây Tung đứng đó sừng sững giữa rừng già, mời gọi người lữ hành dừng lại nghỉ chân

Đến cây Tung là chúng tôi đã vượt qua được 3km đường rừng. Nghỉ ngơi, chụp ảnh lưu niệm một chút. Tu lấy vài ngụm nước... Xắn quần kiểm tra xem có bị vắt bám vào chân không...

Để rồi tiếp tục hành trình lội bộ. Còn 2km nữa.
Cố lên!!!

Được 4500m, chúng tôi đến cây cầu gỗ - điểm mốc dừng chân cuối cùng nghỉ mệt chuẩn bị vào Bàu Sấu
Cầu cao hơn mặt đất khoảng 5m, thế mà vào ngập: nước có thể lên đến xấp xỉ mặt cầu - cắt đường giao thông, biến Bàu Sấu gần như là đảo riêng với đất liền...

Nỗ lực với 500m cuối cùng, và  chúng tôi đã đến nơi... Thật hạnh phúc!


Đây... là Bàu Sấu!


Nơi sinh sống tự nhiên của hàng trăm con cá sấu vườn quốc gia Nam Cát Tiên  nên thơ như thế này đây


Bàu rộng mênh mông, nổi lềnh bềnh những tảng lục bình và lau sậy.
Trời về chiều, những cánh chim ăn muộn kêu chơm chớp trên đầu bay về nơi trú ẩn. Chờ đợi chúng tôi sẽ là một đêm tù mù ánh điện năng lượng mặt trời tiết kiệm để có cơ hội xem Cá Sấu tự nhiên lội lên bờ. Và một bữa cơm toàn cá với đủ món cá chiên, luộc, kho dân dã. Canh cũng là canh cá nấu với lá dại mà anh bếp kiểm lâm khi thấy chúng tôi đến đã vội xách lấy cái rổ ra Bàu lượm rau...

Và những tấm ảnh cuối cùng chúng tôi chụp trước khi màn đêm đổ xuống là cảnh vợ chồng ngồi bên nhau ngắm hoàng hôn dần buông trên Bàu Sấu.
Sóng nước mênh mông
Lục bình trôi man mác
Vài tiếng chim kêu muộn
Tâm hồn thảnh thơi, thanh thản đến lạ kì.....

Đoàn chúng tôi ăn bữa cơm ngon miệng với món cá tươi sau mấy tiếng lội rừng vất vả, và ngồi trò chuyện với nhau trong lán trại kiểm lâm.


Chờ màn đêm buông xuống...


Không có nhận xét nào: