Cung điện Mùa Đông
Khác với Cung điện Mùa Hè nằm ở ngoại vi thành phố - là nơi vua chúa nước Nga tận hưởng mùa hè yên bình với những vườn cây xanh, mặt nước biếc và cỏ hoa tươi thắm, thì Cung Điện Mùa Đông nằm giữa trung tâm thành phố Saint Peterburg - là nơi ở chính của Vua, Hoàng hậu cùng các công chúa, hoàng tử vương triều Nga, và cũng là nơi các vị Vua tiếp triều, cùng quần thần xử lí các vấn đề quốc gia đại sự.
Không có vườn cây xanh, Cung điện Mùa Đông lại nổi tiếng với những phòng Khiêu vũ rộng và cực kì lộng lẫy đủ cho hàng trăm cặp đôi cùng nhảy múa trong các buổi đại tiệc của Hoàng gia. Và nổi tiếng nhất với bộ sưu tập Tượng, Tranh và các tác phẩm mĩ nghệ gốm sứ, vật dụng trang sức vàng bạc... chủ yếu của thời kì Phục Hưng của các nghệ sĩ Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Hà Lan, Anh, Áo, Đức... Một số tác phẩm được tiếp tục sưu tập về sau vào các thể kỉ 18, 19.
Bộ sưu tập đồ sộ vào loại nhất thế giới này được biết dưới cái tên bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật The Hermitage.
Đến cung điện này khi đã về chiều, đoàn còn nhiều việc phải đi, nên trong lúc người của đoàn đi tham quan cung điện, tôi dành phần lớn thời gian ngồi trong phòng lưu niệm: chọn mua mang về cho mình chục bức tranh reproduction canvas khá đẹp, phần lớn là phong cảnh và tĩnh vật với những chi tiết vẽ tinh xảo - thỏa lòng mong ước từ lâu được trang trí nhà bằng những tác phẩm nổi tiếng thế kỉ 15-19, được sao lại trên vải chuyên dụng với chất lượng cao theo tiêu chuẩn khắt khe của The Hermitage.
Góc vườn ở Montgeron - Claue Monet (Pháp)
Những cây Sồi - Georg Heinrich Crola (Đức) 1833
Sau chuyến dạo chơi - Gustav de Jonghe (Bỉ) 1855 - 1860
Bé gái trên cánh đồng - Ludwig Knaus (Đức) 1857
Làng bên sông Sein - Alfred Sisley (Pháp) 1872
Chợ ở Harrlem - Gerit Berckheyde (Hà Lan) 1683
Rồi sẽ phải thu xếp vài buổi ngắm lại những bức tranh đã mua: chọn chỗ treo trong nhà, ra tiệm chọn khung đóng, rồi nhờ phu quân khoan tường bắt vít treo vào vị trí: rất nhiều công đoạn đang chờ cho một việc trang trí nhà!
Tượng khỏa thân - đề tài phổ biến nhất của các tác phẩm điêu khắc Phục Hưng được sưu tầm tại The Hermitage
Nơi tung những đồng xu may mắn ở các dòng sông, từ trên cầu hoặc ở các đài phun nước - thói quen văn hóa rất thường gặp
Nhà thờ Thánh Issac
Nhà thờ Kazan
Với những cột đá khổng lồ
Lâu đài Nữ hoàng Ekaterina II
Ekaterina II là vị Nữ hoàng nổi tiếng của đế chế Nga. Xuất thân là công chúa nước Phổ, lấy thái tử nước Nga và sau đó được truyền ngôi thành Nữ hoàng: Ekaterina nổi tiếng là vị nữ hoàng chuyên quyền, thống trị nước Nga bằng những quan điểm chính trị rất nghiêm khắc và sắc sảo.
Là một người đàn bà quyền lực: Nữ hoàng có rất nhiều người tình. Nhưng bà có 1 qui tắc: không bao giờ cho phép những người tình tham gia vào việc triều chính và các quyết định chính trị của Bà là độc lập - trên cơ sở vì sự cường thịnh của đế chế Nga hoàng.
Thời trị vì của Ekaterina II - cháu dâu của Pie Đại Đế, nhờ vậy đã là một trong những giai đoạn hoàng kim của nước Nga, trở thành một trong những cường quốc của Châu Âu cả về Quân sự, Chính trị lẫn Văn hóa nghệ thuật!
Bên một con phố bình thường lúc 12h trưa
Tượng đài kỉ niệm 900 ngày đêm bao vây Leningrad
Mỗi giai đoạn lịch sử Saint Peterburg đều có câu chuyện của mình. Và quãng thời gian của cuộc chiến tranh thế giới lần 2 - khi nước Nga còn trong Liên bang Xô Viết và Saint Peterburg được đổi tên thành Lenigrad (thành phố mang tên Lenin) thì đó là câu chuyện rất rất bi hùng.
Không nói về chính trị ở đây. Đúng - Sai là chuyện tương đối và là câu chuyện của Lịch sử.
Nhưng những gì mà người dân của thành phố này đã phải trải qua trong suốt 900 ngày đêm bị quân đội Đức bao vây đến kiệt quệ, và những gì họ đã làm được sau đó: là bản hùng ca bi tráng xứng đáng để tự hào - không thể khác!
Chúng tôi đi đến bảo tàng giai đoạn 41-45 của Saint Peterburg và tất cả mấy người đều bật khóc trước một khung kính đơn giản: trong đó là quyển nhật kí của một bé gái 7 tuổi mới bắt đầu biết viết, chữ to và nghuệch ngoạc:
Ngày... tháng: cha chết!
Ngày... tháng: cô chết!
.....
Cứ như vậy cả chục trang chỉ ghi lại cái chết của từng người trong gia đình em bé: cha - mẹ - chú - cô -anh - em...: chết vì đói, vì kiệt quệ trong mùa đông đầu tiên, mà có những ngày họ sống với âm 30 độ C không có điện, không có gaz, không có thức ăn, đến nỗi chó mèo đều phải đem ra giết để ăn, và toàn bộ đồ gỗ bàn tủ trong nhà đều phải mang ra làm củi đốt để sưởi ấm...
Họ sống trong 1 thành phố bị bao vây, tăm tối, lạnh lẽo, không biết ngày mai.
Con người sao có thể phải chịu đựng những điều khốn khổ đến vậy! Và làm sao họ có thể chịu đựng được đến vậy!
Thế mà vẫn có một "Bản giao hưởng số 7 - Lenigrad" - Symphony No.7 (Shostakovich) !
Văn hóa người Nga thật sự thật đáng khâm phục. Đáng để học.
Chụp ảnh cùng Chiến Hạm Rạng Đông
Xinh đẹp một quán cafe nhỏ
Men theo một đoạn phố đồ lưu niệm, kịp chọn vài vật dễ thương, về làm quà cho bè bạn
Saint Peterburg xứng đáng là thủ đô của Văn hóa của nước Nga.
Và những gì đọng lại của chuyến công tác 10 ngày quá ngắn ngủi với một đất nước vĩ đại này hẳn sẽ càng làm mới và đầy đặn thêm những kí ức đẹp về một dân tộc đẹp.