Home

21/3/13

Vườn giữa tháng Ba


Tháng Ba mùa khô.
Chưa phải đỉnh điểm khô, nhưng trưa mà đi ra đường là rát da rát thịt.

May sao, sáng và chiều trời dịu, dễ chịu được một chút.
Cây cối trên vườn nhờ đó tuy không đâm tược nảy chồi ào ạt, không phủ xanh rậm rạp được như mùa mưa, nhưng vẫn sống được, khỏe mạnh, vui vẻ.

Ngắn gọn: là không tệ!

Chim chóc cũng vậy: số đông thay lông, một số hoàn thành nốt nhiệm vụ sinh sản cuối mùa. Vườn chim nói chung là vui vẻ.





Thế là tốt rồi. Mong gì hơn!

Một trong những loại cây trồng vườn phố tôi thích nhất: là dương xỉ.
Cây không kén đất, kiều gì cũng sống được. Bón thêm cho chút chất: thì xanh tốt bời bời. Tán xòe tròn rộng, che kín một khoảng đường kính mặt sàn lớn xung quanh: cho nên tôi rất chuộng sử dụng dương xỉ để che chắn cho các gốc cây lớn phía dưới sát đất thường bị trơ, lộ ra phần chân chậu thường không đồng bộ, xấu xí.

Bộ ba: Dương xỉ - Ghế cổ - Chú vẹt

Mà cũng nhờ thế nên mỗi cụm cây trên sân thượng của tôi đều có vẻ um tùm, nhiều sức sống. Cụm này như nối  với cụm khác, chậu này như kết với chậu  kia: tạo nên một không gian chung liên hoàn, gắn bó.
Tóm lại: như một cái vườn nhỏ thật sự. Chứ  không phải những chậu cây đơn phương xếp cạnh nhau. Mặc dù: thực tế đúng là phấn lớn không gian vườn đã được xếp chậu như vậy đấy.

Bụi dương xỉ lớn rất thành công trong nhiệm vụ che chắn một bên ghế ngồi, tạo cảm giác gắn kết  với cái ghế - lãng mạn hơn hẳn nếu chỉ là một cái ghế để trống hai bên


Bên cạnh dương xỉ, cũng có những loại cây  khác có chức năng che phủ khá dễ trồng để giúp tạo cảm giác tươi mát, um tùm như vậy, mà lại  có hoa. Tất nhiên về nhu cầu chăm trồng thì có đòi hỏi cao hơn dương xỉ một chút (nhưng không đáng kể).

Như cây '4 giờ'/four clock này chẳng hạn: sinh nhánh xòa ngang rất nhanh, hoa rất đều, rất hợp với bất cứ góc, khe thấp nào có chút nắng sáng mà cần một bụi cây che khuất phần mặt đất nâu xấu:




Có hai màu hoa: Hồng và Vàng - màu nào cũng tươi tắn cả.


Cũng còn những loại cây khác, như mười giờ, thanh tú, xác pháo salvia làm công tác che phủ tầng thấp rất tốt. Nhưng những cây này đòi hỏi người trồng cây phải yêu chiều chúng hơn.

Mà nếu có thời gian để yêu chiều cây hơn một chút, rồi cây lại mỗi ngày tặng ta một vài bông hoa xinh xắn, giúp ta thấy mình sống ở nhà phố mà vẫn có thiên nhiên ôm ấp  mình bên cạnh: thì cũng đáng lắm chứ!




















Thế quá tốt rồi. Mong gì hơn!


19/3/13

Tuyết Sơn Phi Hồng lại đơm bông



Tôi nghĩ rằng loài hoa này rất hợp với mình!

Bằng chứng là tôi trồng cây này không thấy khó khăn gì cả, mà bạn bè cũng trồng theo nhiều: song ít nhà ai mà cây Tuyết Sơn cứ nở hoa đều và liên tục như ở nhà tôi!



Mà cũng có thể là do nhờ cây thích nắng gió, mà vườn sân thượng ở nhà thì luôn luôn đáp ứng được yêu cầu này!

Mỗi một buổi sáng ra thăm vườn, tưới cây, nghe tiếng chim hót ríu rít, và cứ lâu lâu lại có một đợt Tuyết Sơn Phi Hồng nở rộ, hồng tươi cả một góc ngồi: tôi thấy như mình lại càng được tiếp thêm nhịp sống.

Người ta đi học thiền để tìm cách ngồi đó và thu lấy năng lượng của vũ trụ. Còn tôi: tôi chăm sóc cây, tưới cây, trao cho cây một phần năng lượng của mình. Và nhận từ Tuyết Sơn Phi Hồng  và tất cả những cây to, cây nhỏ khác trong vườn nhà mình niềm vui - hẳn đó cũng là năng lượng, nhỉ.







Cây thật đáng yêu!

Rất rất đáng yêu!

Và không chỉ riêng tôi: mấy chú chim ở nhà cũng rất mến Tuyết Sơn Phi Hồng!





8/3/13

Loài chim nào có thể dạy nói được ?

Bài viết cũ cho ABV, từ 10/2004.
Cất vào đây giữ làm tư liệu.

Loài chim nào có thể dạy nói được ?

Đó là câu hỏi của rất nhiều người muốn có một chú chim cảnh để bầu bạn tâm tình. Có lẽ ai cũng biết là người ta thường nuôi két (vẹt), nhồng, sáo, cưỡng, quạ... để dạy nói.

Hãy làm một so sánh: 2 chú chim hót: 1 nuôi lớn trong nhà và một sống ở trong rừng. Hẳn chúng ta đoán được chú chim sống trong rừng sẽ hót hay hơn hẳn chú chim nhà. Tại sao? Vì trong tiếng hót của chim rừng, người ta còn nghe thấy hợp âm của tiếng suối chảy, tiếng lá reo, tiếng hót của những loài chim khác. Bởi vì chim rừng không chỉ có tiếng hót của riêng mình, mà chú ta còn sưu tập thêm vào bộ nhớ âm nhạc của mình âm điệu và tiết tấu nghe được từ môi trường xung quanh.
Còn những chú chim nhà, lại có thể 'hót' được những tiếng lạ, đặc thù của cuộc sống con người: tiếng còi xe, tiếng kẹt cửa...

Vậy có thể kết luận: vì tiếng nói của con người cũng là một dạng âm thanh, nếu chim nuôi nghe lâu, chúng cũng có khả năng bắt chước, nhại lại âm thanh đó chứ?

Trên cơ sở đó, thì hoạ mi,chích choè ... cũng có thể "hót" được cả tiếng người!
Shock quá!

Thực tế hơi khác!
Nếu so sánh với tiếng chuông điện thoại di dộng, thì tiếng nói của con người là dạng âm thanh đơn sắc, trong khi đó tiếng hót của loài chim, tiếng suối chảy lá reo lại thuộc dạng đa âm sắc. Do vậy mà những loài chim hót (hoạ mi, chích choè, vành khuyên, hồng tước, yến hót...) vốn dĩ có tiếng hót đa âm sẽ dễ dàng bắt chước các âm thanh đa sắc của thiên nhiên, còn các loài quạ, két, nhồng, cưỡng... do bản chất tiếng kêu của chúng không đa âm như chim hót sẽ dễ dàng bắt chước tiếng người đơn sắc hơn.

Tuy vậy vẫn có những ngoại lệ:
Tiến sĩ, nhà sinh vật học nổi tiếng về nghiên cứu Canary (yến hót) người Nga - Lukina đã từng viết về một chú yến hót trong bộ sưu tập của bà có thể nói được 8 từ , biết gọi tên chủ, biết gọi tên mình, biết kêu đói khi thấy bà mang thức ăn đến cho. Mặc dù phải công nhận là tiếng nói của chú ta nhỏ và phát âm không trọn vẹn, rõ ràng, nhưng không thể lầm lẫn với tiếng hót hay tiếng kêu thông thường, bởi chúng phát ra dưới dạng phản xạ có điều kiện: gọi tên chủ khi thấy chủ, kêu đói khi thấy thức ăn mang tới...

Ở VN, nói đến chim nói, người ta nghĩ ngay đến nhồng, cưỡng, sáo... mà quên đi mất một loài chim có thể nói rất tốt tuy tiếng hơi nhỏ, nhưng rẻ tiền, dễ nuôi và ưu điểm nhất là ăn thức ăn hạt nên phân không hôi bẩn, đó là yến phụng (vẹt Hồng kông). Một chú yến phụng nuôi từ 1-2 tháng tuổi được chăm sóc tốt và kiên nhẫn dạy nói (như dạy các loài két khác) có thể ghi nhớ được 10-15 từ - một vốn từ không nhỏ so với một chú chim nhỏ như vậy!

Sau đây là một số loài chim có thể nuôi và dạy nói tại VN:
-Bộ chim Sẻ: gồm quạ, cưỡng, sáo, nhồng (yểng)...
-Bộ Két (Vẹt): 
a/két VN bao gồm két Alexander (còn gọi là con xít), két xanh (két rừng) VN.
b/két nguồn gốc ngoại nhập đã được nuôi đẻ thành công tại VN: két Mã lai, Yến phụng (còn gọi là vẹt Hồng kông).
c/và một số loại Két ngoại nhập đắt tiền khác (mà hiện nay đã bắt đầu có ở VN: Macaw, Amazone, African Grey, Electus...).

Lưu ý là chất thải của các loại chim ăn nhiều quả, ăn nhiều sâu bọ thì sẽ hôi hơn, bẩn hơn chất thải của loại chim ăn hạt ngũ cốc. Vì vậy nếu bạn định nuôi nhồng chẳng hạn, thì phải chuẩn bị tinh thần để vệ sinh chuồng chim thường xuyên, vì vệ sinh không đảm bảo là nguyên nhân gây bệnh tật chủ yếu ở các loại chim nuôi nhà.

Nguyên tắc chung dạy chim nói:
-lựa chọn chim con còn non
-dạy những từ dễ phát âm, có nhiều nguyên âm a, u, e, o và các phụ âm ít uốn lưỡi
-lặp đi lặp lại thường xuyên cho chim nghe từ muốn dạy, với nhịp độ và âm thanh đều đặn, không thay đổi.
-dạy chim từ đơn âm trước, khi chim nói thuần thục thì chuyển sang từ đa âm sau.
-khảo sát cho thấy:
.chim nhập tâm nhanh với giọng phụ nữ, giọng trẻ em hơn là với giọng đàn ông!
.ở một số loài thì chim trống dễ dạy nói hơn chim mái !
.với các loài vẹt thuần hoá, những con mang màu sắc hoang dã nói giỏi hơn những con màu sắc lai tao, vì vậy nếu muốn dạy yến phụng nói chẳng hạn, hãy chọn những con trống màu xanh lá cây.

Môt con yến phung nếu nuôi dạy tốt có thể nói trung bình được 10 từ, két Mã lai: 15 từ, Alexander: 15-20 từ, Nhồng: 30 từ hoặc hơn. Tuy nhiên khả năng học nói (thực chất là nhại lại âm thanh khác) của chim hoàn toàn mang tính cá nhân, cùng một loài có con dạy nói rất tốt, có con học mãi vẫn không phát âm trọn vẹn rõ ràng được, cũng giống như người vậy thôi!

Chúc bạn tìm được một chú chim ưng ý để dạy nói.