Home

20/10/11

Điều xui xẻo của con trai !

Con yêu,

Rồi con sẽ lớn lên, sẽ hiểu biết, sẽ va vấp và nhờ đó trở nên từng trải.
Rồi sẽ có lúc con đọc những dòng mẹ viết hôm nay, cho con.

Và con sẽ hiểu rằng: mẹ yêu con hơn tất cả những lời mẹ có thể nói.

Hôm rồi con trai muốn 'tâm sự' với mẹ, sau khi tắm xong và chuẩn bị đi ngủ.
 Nhìn con mếu mếu gần muốn khóc, giọng run run kể chuyện ở trường con 'bị xui xẻo': sao mà thắt lòng vì thương...

Xui xẻo 1:
Giờ ra chơi cả trường 'vắng hoe'. Con nói mà mẹ mãi không hiểu vì sao ngày đi học bình thường mà giờ ra chơi lại vắng hoe - hay là trường tổ chức cho học sinh đi chơi đâu đó mà mẹ con mình không biết nên không đăng kí được cho con cùng đi.

Hỏi mãi mới hiểu ra: sân trường không vắng hoe, mà vì không có ai chơi với con, các bạn đều có đồ chơi và nhóm chơi của mình, chỉ một mình con cô đơn không ai chơi với - nên lòng con 'vắng hoe' !

Con trai ơi, mẹ ôm con vào lòng, dấu con tiếng thở dài trong bụng, thấy mình đã lớn và chuẩn bị sang bên kia của nửa đời người mà sao vẫn bất lực trước một tình huống tưởng chừng quá nhỏ của con mà thật lòng đến giờ mẹ vẫn chưa tìm ra giải pháp!

Xui xẻo 2:
Giờ ăn trưa ở lớp, 'con không làm sao nuốt nuổi', không ăn được vì bị bạn ngồi cùng bàn chòng ghẹo. Theo lời run run con kể, mẹ tưởng tượng cảnh các bạn  số 21, 23, 24 và con số 22 cùng ngồi chung một chiếc bàn ăn nhỏ, những cái ghế đẩu cũng thấp nhỏ và các bạn chọc con là 'Mông' vì con ăn chậm.

Mãi mẹ mới hiểu qui tắc gọi của nhóm bạn: ai ăn xong nhanh nhất là Đầu. Ăn nhanh nhì là Cổ. Thứ Ba là Thân hay Tay gì đó. Và chậm nhất bị gọi là Mông - chắc từ bài học về cơ thể người mà có trò chơi vui nhộn đó.
Và con mặc cảm vì mình ăn chậm hơn các bạn, vì mình bị gọi là Mông.


Xui xẻo 3:
Trưa con nằm ngủ: cái quạt tường trong lớp bình thường nó quay: nhưng hôm ấy nó bị hỏng nên đứng một chỗ, gió mát không quay được về chỗ con nằm. Con nóng quá nên không sao ngủ được!
Nên con nghĩ mình bị xui xẻo: đến cái quạt hình như nó cũng không yêu con!

Mẹ cười ra nước mắt!

Con ơi,
Trải qua mấy chục năm cuộc đời, trải qua những tháng ngày tuổi thơ bé dại như con bây giờ: thế mà mẹ chưa bao giờ trải nghiệm qua những cảm giác 'bị xui xẻo' như con trai ngây thơ của mẹ ngày hôm nay đã trải: nên mẹ xin lỗi con, vì chỉ có thể ôm con vào lòng, chỉ có thể nói những lời âu yếm và an ủi con, rằng vậy từ ngày mai con cố gắng ăn  nhanh để được làm "Đầu', rằng chú thợ điện sẽ sửa cái quạt hỏng và chỗ con nằm sẽ có gió mát trở lại, chứ không biết làm thế nào để con được các bạn 'muốn chơi với'.

Con trai yêu,
Cuộc sống không đơn giản. Nên ngay cả khi con người ta rất thân thiện, hòa nhã và muốn yêu thương đồng loại thì cũng không hẳn sẽ được đón tiếp và yêu thương ngay như mình mong muốn. Không phải lỗi tại con, cũng không phải lỗi các bạn đâu con ạ!: nên con đừng buồn, đừng lo vì những điều như vậy.

Cứ như con vẫn là con lâu nay: con trai ngoan và hiền lành của bố mẹ. Con trai thương yêu biết sống độc lập và luôn quan tâm chăm sóc đến mọi người của bố mẹ. Con không ích kỉ và đó là điều mẹ hãnh diện. Con yêu thương mẹ và cho mẹ những cảm xúc được con yêu hàng ngày là hạnh phúc của mẹ.

Rồi những người bạn cũng sẽ nhận ra con đáng yêu, luôn biết nhường nhịn và tốt tính như thế nào. Rồi lớn lên con và các bạn sẽ dần tự hiểu những giá trị quan trọng của cuộc đời mà trong đó tình yêu, sự quan tâm bằng hành động thật sự chứ không phải những lời nói và vài câu chót lưỡi đầu môi mới là điều ta cần điều chỉnh để làm cho người và được nhận từ người.

Rồi con sẽ có vợ. Rồi con sẽ có con....
Và con của con - một bé trai hoặc bé gái thật xinh, cũng có thể sẽ có một buổi tối yên bình ngồi trong lòng con, để thút thít kể với con về một ngày xui xẻo của bé, mà con cũng như mẹ hôm nay: chẳng biết phải giúp đỡ cụ thể như thế nào!...

Đừng lo con nhé !: cứ an ủi và vỗ về con mình. Cứ dạy con tự sống và chủ động chịu trách nhiệm về hành động và thái độ của mình. Cứ cảm nhận  khoảnh khắc bất lực của kẻ làm cha mẹ khi không tìm ra được cách giúp đỡ con mình: để học cách chấp nhận rằng không phải tất cả mọi việc luôn hoàn hảo dù mình đã cố gắng và kiên định sống, ứng xử vì những điều mình tin tưởng.

Nhường nhịn không phải là chịu thua. Hòa nhã không đồng nghĩa với phụ thuộc, con trai yêu của mẹ.

3 nhận xét:

utvanut nói...

GC à, việc này đã xảy ra lâu chưa vậy ? Không có bạn nào chơi cùng là do bản tính của con trai sống khép kín hay do gần đây có mâu thuẫn gì khiến các bạn "nghỉ chơi" với con ?

Tuổi học trò là tuổi rất cần bạn bè chứ con chưa thể hiểu được những "lý luận" của người lớn mình đâu.

Từ việc không có bạn chơi cùng trong giờ ra chơi, lòng con cảm thấy "vắng hoe" đến một việc vô tình thôi cũng khiến con trai nghĩ cái quạt không yêu mình thì Út sợ tình trạng này kéo dài sẽ làm con dần dần mất tự tin đó GC.

Con gái của Út cũng có một thời gian bị như vậy. Lý do là đầu năm lớp 3 chuyển trường. Các bạn đã quen nhau từ trước, giờ ra chơi rủ nhau chơi theo nhóm. Con mình thuộc loại hiền lành, hơi nhút nhát, chẳng quen được ai, suốt mấy tháng như vậy. Út phải đưa đi BS tâm lý ở BV ĐHYD. Rồi cho con tiền (giải pháp tạm thời) để con xuống căng tin cùng các bạn mua những thứ "nhăng nhít", chia cho bạn cùng ăn, cùng chơi (những đồ chơi gắn kèm với bánh kẹo ... mà chỉ có tụi trẻ con mới biết thứ nào đang "hot"). Sau lại khuyến khích con không mua đồ trong căng tin nữa mà chuyển qua mua báo nhi đồng bán tại trường để đọc cùng với bạn hoặc cho bạn mượn về nhà. Mình cũng trao đổi với cô giáo nhờ cô giúp đỡ thêm nữa. Rồi con gái mình tình cờ phát hiện ra có 4, 5 bạn trong lớp đi học về (đi bộ) cùng đường. Vậy là cùng đi, cùng trò chuyện. May mắn là mọi việc đã trôi qua êm đẹp.

Một chút kinh nghiệm của Út, không biết có giúp gì được trong trường hợp của con trai không. GC trò chuyện thêm với con tìm hiểu nguyên nhân từ đâu để cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này nhé.

Thân.

HUYNHKHANHTHIENKIM nói...

Hi GC (Iam 18)
Con cũng từng bị như vậy khi đi học, nhưng nhờ vậy mà co cứng cõi hơn.
Vài dòng chia sẻ

GoldenCanary nói...

Cảm ơn Út chia sẻ.
Con trai lâu nay hơi khép kín, tính 'tồ', bố mẹ cũng tìm cách này cách nọ cho con được các bạn vui chơi với nhưng sao khó.

Trong khi đó với các em, bạn nhỏ tuổi hơn thì tiếp cận rất dễ và được các bạn nhỏ hơn rất quí.